Điều 147 quy định thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
“1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.”
Điều 148 quy định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
“1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.”
Một số trường hợp khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm thì chưa có cơ sở để ra quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án hay tạm đình chỉ theo BLTTHS như sau:
Trương hợp 1: Từ 20/9/2016 đến 15/12/2016 thông qua giới thiệu của bà H, ông B và vợ là bà T đã vay mượn tiền của bà M là 700.000.000 đồng, lãi suất 2%-5%/tháng, có viết biên nhận mươn tiền, trong thời gian vay thi vợ chồng ông B có trả lãi được 68.000.000 đồng và 16.000.000 đồng tiền vốn. Nhưng sau đó M không liên lạc được vợ chồng ông B nên đã đến Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Cần Thơ tố giác ông B và bà T có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 15/5/2018, Cơ quan điều tra lập biên bản tiếp nhận nguồn tin và thụ lý, giải quyết. Ngày 16/9/2018, thời hạn xác minh giải quyết nguồn tin đã hết nhưng Cơ quan điều tra chưa tiến hành làm việc được với người bị tố giác, không biết ông B và bà T là gì và ở đâu.
Trường hợp 2: Ngày 14/4/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. Cần Thơ lập biên bản tiếp nhận, thụ lý giải quyết tin báo về tội phạm của bà Nguyễn Thị Thuy D – Tổng giám đốc Công ty CP thủy san HN-CT tố giác bà Nguyễn Thị Diệu H – Nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP thủy sản B.A có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 15/8/2018, thời hạn xác minh giải quyết nguồn tin đã hết nhưng Cơ quan điều tra chưa tiến hành làm việc được với người bị tố giác, kết quả xác minh xác định được người bị tố giác đang định cư ở nước ngoài.
Quan điểm người viết: Khi Cơ quan điều tra đã làm hết các bước theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ nhưng vẫn chưa chứng minh được có hành vi phạm tội xảy ra hay không, Cơ quan điều tra cần vận dụng căn cứ “Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả” để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Vì BLTTHS 2015 không quy định trường hợp nào là tạm dừng xác minh nên việc vận dụng điểm b khoản 1 Điều 148 BLTTHS để ra quyết định tạm đình chỉ là cần thiết, tránh tình trạng để tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn kéo dài nhưng không có kết quả giải quyết.
Trên đây là quan điểm của cá nhân, rất mong được sự trao đổi của đồng nghiệp./.