Từ ngày 01/01/2018, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực quy định nhiều điểm mới, trong đó có quy định về miễn trách nhiệm hình sự, là chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta theo khoản 3 - Điều 29 BLHS năm 2015 như sau: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể miễn trách nhiệm hình sự”. Có thể hiểu, việc “tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” là người thực hiện hành vi phạm tội và người bị hại hoặc đại diện cho người bị hại có thể thương lượng với nhau thì có thể người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nếu người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét và quyết định việc miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Điều đáng lưu ý ở đây, nếu trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì cần xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Việc xem xét này trên cơ sở “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng”, đối chiếu với quy định tại điểm a - khoản 1 - Điều 9 BLHS thì “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Và điểm b - khoản 1 - Điều 9 BLHS “Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là trên 03 năm tù đến 07 năm tù”.
Ví dụ: A điều khiển xe ô tô khách lấn sang phần đường bên trái và xảy ra va chạm với xe mô tô do B điều khiển chở theo C đi ngược chiều làm B tử vong, C bị thương nhẹ và từ chối giám định thương tích. Hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a - khoản - 1 Điều - 260 BLHS. Sau khi xảy ra tai nạn, A đã xuống xe cứu giúp nạn nhân, khi B chết A chủ động đến gia đình thăm viếng, thỏa thuận bồi thường khắc phục hậu quả nên được đại diện hợp pháp của A tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nên A có thể được xem xét để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu A được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 - Điều 29 BLHS thì trường hợp này sẽ áp dụng như thế nào cho phù hợp với các quy định khác của BLHS và BLTTHS và sẽ có hai quan điểm như sau:
+ Thứ nhất, nếu A được xem xét miễn trách nhiệm hình sự thì không cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để sau đó phải đình chỉ điều tra sẽ gây tốn công sức, làm mất thời gian và gây lãng phí để thực hiện việc này đồng thời gây tâm lý không tốt cho người phạm tội, gia đình và người thân của họ, chỉ cần các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định là xem như đã giải quyết xong.
+ Thứ hai, trước khi xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với A thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra rồi mới được đình chỉ theo quy định tại Điều 18 trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án BLTTHS là “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội”. Như vậy, theo ví dụ trên thì hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và phải khởi tố vụ án, bởi vì theo Điều 157 BLTTHS thì đây không thuộc trường hợp không khởi tố vụ án hình sự và cũng như không thuộc Điều 29 BLHS.
Ngược lại, tại điểm a - khoản 1 - Điều 230 BLTTHS về đình chỉ điều tra quy định: “Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a. Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 - Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2- Điều 91 của Bộ luật hình sự”. Như vậy theo quan điểm này, là phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra, sau đó mới đình chỉ điều tra, việc này sẽ gây ra việc tốn công sức, làm mất thời gian và gây lãng phí để thực hiện việc này đồng thời gây tâm lý không tốt cho người phạm tội, gia đình và người thân của họ.
Mặt khác, quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 - Điều 29 BLHS cũng có thể áp dụng cho một số trường hợp phạm tội do cố ý và khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tinh thần hoặc thể chất theo một số tội được BLHS quy định như tội cưỡng dâm, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác … Khi các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét miễn hay không truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội phải dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, hậu quả, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ khác.
Với những quy định này, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để quá trình áp dụng được thống nhất.