Để thực hiện tốt việc kháng nghị bản án dân sự ngoài việc cần nghiên cứu kỹ nội dung, hình thức của bản án thì chúng ta cũng cần xem xét về cách tính thời hạn kháng nghị vì việc này rất là quan trọng. Và theo cách tính thời hạn kháng nghị của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì còn một số vướng mắc, cụ thể như sau:
Tại khoản 1 Điều 252 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án”.
Và theo Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn cách tính thời hạn kháng nghị bản án của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án, trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên toà sơ thẩm”.
Như vậy theo hướng dẫn của Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 thì thời hạn kháng nghị bản án được tính là ngày tiếp theo ngày tuyên án trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà.
Ví dụ: Vụ án có kiểm sát viên tham gia phiên toà, và toà tuyên án vào ngày 15/3/2017 thì thời hạn kháng nghị sẽ được tính từ ngày 16/3/2017.
Về thời hạn kháng nghị bản án tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án”.
Như vậy theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn kháng nghị được tính kể từ ngày tuyên án, trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà. Và cho đến thời điểm này vẫn chưa có Nghị quyết hướng dẫn cách tính thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Từ đó dẫn đến có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong khi chưa có Nghị quyết hướng dẫn thì vẫn sẽ áp dụng Nghị Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 đối với Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Do chưa có Nghị quyết hướng dẫn nên thời hạn kháng nghị sẽ được tính kể từ ngày tuyên án theo quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, không áp dụng Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 cho Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Nhưng tại khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.
Vì Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã hết hiệu lực, nên sử dụng Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 để áp dụng cho Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có phù hợp không?