Thông thường, khi giải quyết vụ án liên quan đến hợp đồng tín dụng thì trên cơ sở đơn khởi kiện Tòa án sẽ tiến hành điều tra, xác minh những nội dung liên quan đến vụ án. Trong đó, xác định rõ ai đương sự trong vụ án để đưa họ vào tham gia tố tụng, thu thập những tài liệu và đánh giá chứng cứ để xem xét. Tuy nhiên, trong một số vụ án, do nhiều yếu tố khách quan, Tòa án và các đương sự không thể biết được các tình tiết liên quan nên không đưa người có quyền lợi liên quan vào tham gia trong vụ án dẫn đến thiếu sót và quyền lợi của họ không được bảo vệ. Họ là người trực tiếp quản lý sử dụng tài sản nhưng chỉ đến khi cơ quan Thi hành án tiến hành lập biên bản kê biên tài sản thì mới vỡ lẽ. Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng sau đây là một ví dụ.
Ngân hàng TMCP MK (nguyên đơn) và Công ty CP XNK M (bị đơn do ông G giám đốc làm đại diện) thỏa thuận ký kết hợp đồng tín dụng, theo đó nguyên đơn cho bị đơn vay số tiền 1.000.000.000 đồng để bổ sung vốn kinh doanh. Tài sản bảo đảm nợ vay gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Vũ Văn H và bà Nguyễn Thị Kim L bảo lãnh cho bị đơn vay.
Do bị đơn không thực hiện đúng theo hợp đồng nên nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu buộc trả tiền vốn và lãi là 1.114.486.633 đồng. Trường hợp không có khả năng thanh toán thì có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Tại Bản án kinh doanh-thương mại sơ thẩm số 42/2011/KDTM-ST nói trên, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xác định ngoài nguyên đơn và bị đơn thì ông H và bà L là người liên quan trong vụ án, sau đó tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn phải nộp tiền án phí theo quy định.
Vụ án trên không có gì đáng nói nếu không xuất hiện một số người liên quan, những người này là anh em ruột của ông H hiện là những người cùng ông H quản lý, sử dụng tài sản trên. Họ cho rằng toàn bộ tài sản thế chấp là do cha mẹ để lại, do tin tưởng nên đã giao cho ông H đứng tên, chờ làm thủ tục tách thửa. Vì không thể vay vốn ngân hàng nên ông H nhờ đại diện của bị đơn vay (ông G) dùm dưới hình thức hợp đồng bảo lãnh. Tuy nhiên khi vay xong, bị đơn rút và sử dụng vốn vay không đưa tiền cho ông H và bỏ địa phương đi từ đó cho đến nay. Bản thân ông H cũng không biết ông G vay được bao nhiêu tiền. Khi Tòa án khởi kiện thì ông H mới biết, vì vậy anh em của ông H đều không biết việc vay vốn và thế chấp tài sản chỉ đến khi cơ quan Thi hành án đến lập biên bản kê biên thì sự việc mới vỡ lẽ. Do có tình tiết mới là anh em ông H khiếu nại, không đồng ý với việc phát mãi tài sản cùng với việc thế chấp đất nhưng trên đất còn nhiều ngôi nhà, kể cả phần mộ của cha mẹ ông H nên cơ quan Thi hành án không thể thi hành.
Để bảo vệ quyền lợi của những người liên quan, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét kháng nghị theo thẩm quyền.
Kế thúc bài viết này, vụ án chưa khép lại nhưng chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm khi kiểm sát hồ sơ vụ án và tham gia phiên tòa các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng cần hỏi để làm rõ những vấn đề liên quan như những người hiện đang quản lý sử dụng; có cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, cầm cố, tài sản có trên đất là những gì để đối chiếu với hợp đồng thế chấp tài sản có phù hợp không. Làm được việc này tránh bỏ sót người tham gia tố tụng, không xác minh kỹ tài sản vì có thể khi thế chấp chỉ thế chấp đất nhưng trên đất lại có nhà… vừa bảo vệ quyền và lợi ích của những người liên quan vừa tránh kéo dài vụ án mà đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thi hành án.