Tại Điều 7 của Thông tư 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Sau đây gọi tắt là TTLT số 01/2018) quy định:
“Điều 7. Phối hợp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi trích xuất để thực hiện hoạt động Điều tra, truy tố, xét xử tại cơ sở giam giữ:
1. Cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam để phục vụ hoạt động Điều tra, truy tố, xét xử hoặc tống đạt các lệnh, quyết định tố tụng và văn bản hành chính tư pháp của Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân với bị can, bị cáo bên trong khu vực cơ sở giam giữ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ cử cán bộ áp giải, bàn giao và phối hợp quản lý, giám sát. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm trực tiếp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quá trình làm việc đảm bảo an toàn, đúng quy định. Việc giao, nhận phải ghi chép đầy đủ và ký nhận vào sổ.
2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án khi có yêu cầu làm việc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại cơ sở giam giữ thì phải xuất trình quyết định phân công thụ lý, giải quyết vụ án hoặc văn bản đồng ý của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án.
Trường hợp có yêu cầu làm việc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam của vụ án khác, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền cơ quan đang thụ lý vụ án đó.”
Tuy nhiên, việc áp dụng trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc như sau:
Ngày 01/01/2021, Nguyễn Văn A có hành vi cùng người khác hủy hoại tài sản, bị CQĐT Công an Quận A khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can tạm giam về tội hủy hoại tài sản theo khoản 2 – Điều 178 và giam tại Nhà tạm giữ Quận A. Đến ngày 01/11/2021, vụ án đã được điều tra, truy tố và chuyển sang Tòa án nhân dân Quận A để xét xử theo thẩm quyền và Nguyễn Văn A đang chấp hành lệnh giam của Tòa án quận A.
Ngày 10/01/2021, CQĐT Công an Huyện B triệt phá tụ điểm tổ chức đánh bạc sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 bị can trong vụ án tổ chức đánh bạc này. Qua quá trình điều tra, ngày 05/11/2021 CQĐT Công an huyện B đã đủ chứng cứ chứng minh Nguyễn Văn A có vai trò đồng phạm trong vụ án tổ chức đánh bạc này nên đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với A. Điều tra viên của CQĐT Công an Huyện B đến liên hệ với Nhà tạm giữ Quận A để tiến hành tống đạt QĐ KTBC và hỏi cung theo quy định của BLTTHS thì Nhà tạm giữ Quận A cho rằng cơ quan đang thụ lý vụ án là Tòa án Quận A nên cần được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền của Tòa án Quận A. Để hoàn thành các thủ tục thì Điều tra viên huyện B đến liên hệ với Tòa án Quận A để xin xác nhận thì Tòa án B không đồng ý xác nhận nhưng không nêu rõ lý do dẫn đến Điều tra viên huyện B không tiến hành làm việc được với Nguyễn Văn A.
Quan điểm thứ nhất: Nhà tạm giữ Công an Quận A có yêu cầu Điều tra viên huyện B phải có giấy xác nhận đồng ý của TAND quận A thì mới cho làm việc với Nguyễn Văn A là đúng. Vì bị can Nguyễn Văn A đang bị áp dụng biện pháp tạm giam của TAND quận A về tội Hủy hoại tài sản nên CQ đang thụ lý vụ án là Tòa án Quận A, Điều tra viên huyện B cần có sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền Tòa án Quận A thì mới được làm việc với bị can Nguyễn Văn A.
Quan điểm thứ hai: CQĐT huyện B đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội Tổ chức đánh bạc, do A đang bị áp dụng biện pháp tạm giam của Tòa án quận A nên CQĐT huyện B không áp dụng biện pháp tạm giam đối với A. Khi Điều tra viên của huyện B đến liên hệ làm việc với Nguyễn Văn A trong vụ án tổ chức đánh bạc tại Nhà tạm giữ Quận A thì chỉ cần xuất trình quyết định phân công thụ lý, giải quyết vụ án tổ chức đánh bạc, không cần phải có sự đồng ý của TAND quận A, Nhà tạm giữ quận A phải phối hợp, tạo điều kiện cho Điều tra viên huyện B hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Bản thân tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong được sự trao đổi và đóng góp của các đồng chí về nội dung trên.