Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đường sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Các quyền và nghĩa vụ cũng như các trình tự, thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định cụ thể tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) và Điều 61 Luật Tố tụng hành chính (TTHC), trong đó:
Theo khoản 5 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) và khoản 5 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) quy định “Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị”.
Tuy nhiên, qua kiểm sát việc giải quyết các vụ việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và những việc khác theo quy định pháp luật nhận thấy Tòa án chưa thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên, cụ thể: Hồ sơ vụ án có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì thường chỉ thể hiện những loại giấy tờ, tài liệu như đơn yêu cầu người bảo vệ và phiếu xác nhận lý lịch tư pháp hoặc thẻ hành nghề luật sự (nếu là luật sư) và một số loại giấy tờ khác theo quy định. Ngoài ra hồ sơ vụ án hoàn toàn không thể hiện việc Tòa án tiếp nhận “Đơn yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” vào ngày tháng năm nào và cũng không có xác nhận của Tòa án vào “Đơn yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” là Tòa án đã chấp nhận hay không chấp nhận người theo yêu cầu của đương sự làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Do đó, khi kiểm sát việc giải quyết vụ án Kiểm sát viên không thể biết được người mà đương sự yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ có đủ tư cách tham gia tố tụng theo quy định hay không. Vì theo nội dung tại khoản 5 Điều 75 Bộ luật TTDS và khoản 5 Điều 61 Luật TTHC thì việc Tòa án không thực hiện việc xác nhận vào đơn yêu cầu của đương sự sẽ đồng nghĩa với việc người bảo vệ quyền và lợi ích theo yêu cầu của đương sự chưa đủ tư cách để tham gia tố tụng. Việc người này tiếp tục tham gia các gia đoạn tố tụng tiếp theo với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì đây là cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị của mình theo quy định pháp luật.
Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng nêu trên thiết nghĩ Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu thật kỹ các trình tự thủ tục tố tụng, trực tiếp trao đổi cùng Thẩm phán thụ lý về những vi phạm, đề nghị khắc phục, bổ sung theo đúng quy định nhằm hạn chế án bị hủy, sửa.