Khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
Khám nghiệm hiện trường; Khám nghiệm tử thi;
Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
Trong các hoạt động trên có việc lấy lời khai người tố giác, người bị tố giác, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để thu thập thông tin, tài liệu cần thiết.
Như vậy, với những liệt kê trên thì giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, không có hoạt động đối chất.
Đồng thời, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an - Bộ Quốc Phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng không quy định việc đối chất trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Mặc dù Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không quy định việc đối chất, tuy nhiên tại Điểm d Khoản 3 Điều 83 Bộ luật này quy định, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền có mặt khi đối chất người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Do đó, khi xác minh nguồn tin, Cơ quan có thẩm quyền (trong đó có Cơ quan điều tra) được quyền đối chất khi có mâu thuẫn để có đủ căn cứ kết luận vụ việc.
Bởi đối chất là việc làm cần thiết nhằm loại bỏ mâu thuẫn sau khi đã tiến hành các hoạt động khác nhưng không có hiệu quả. Với việc giải quyết mâu thuẫn có trong hồ sơ vụ việc, Cơ quan điều tra mới có thể đủ cơ sở để ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và không xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng như không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của nguồn tin về tội phạm.
Thế nhưng, trong giai đoạn này, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi đối chất không? Trong Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm, Kiểm sát viên có thể yêu cầu Điều tra viên tiến hành đối chất hay không? Hoặc khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất như đối với việc giải quyết vụ án hình sự hay không? Việc đối chất có được tiến hành theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 hay không cần phải được hướng dẫn và vận dụng đúng./.