Hình phạt cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Đây là loại hình phạt không tước tự do, không buộc người phạm tội phải cách li khỏi gia đình, nơi làm việc cũng như xã hội nói chung. Nội dung chính của hình phạt này là sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc hoặc thường trú đối với người bị kết án. Bộ luật Hình sự không có định nghĩa cụ thể về hình phạt cải tạo không giam giữ mà chỉ nêu điều kiện áp dụng thông qua quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự “Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”. Do đây là hình phạt không tước đi sự tự do của người phạm tội nên việc áp dụng thực tế hình phạt trên khá nhạy cảm. Một trong những vấn đề còn nhiều vướng mắc trong việc áp dụng quan điểm trên là “đối với người có nhân thân xấu có được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không?”. Hiện nay có hai quan điểm về vấn đề trên:
- Quan điểm thứ nhất: Do điều kiện áp dụng hình phạt được quy định theo Điều 36 Bộ luật Hình sự không có điều kiện về nhân thân xấu nên nếu người phạm tội có nhân thân xấu mà có đủ các điều kiện khác theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự thì vẫn có thể xem xét áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
- Quan điểm thứ hai: hình phạt cải tạo không giam giữ được đánh giá là nhẹ hơn so với án treo (là biện pháp miễn chấp hành án phạt tù có điều kiện) do án treo còn phải chấp hành hết thời gian thử thách và nếu người phạm tội phạm tội mới thì buộc phải chấp hành hình phạt trước đó. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02/2018 thì điều kiện người phạm tội được hưởng án treo là phải có nhân thân tốt. Do đó người có nhân thân xấu còn không đủ điều kiện được hưởng án treo nên đương nhiên không đủ điều kiện để được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
Người viết đồng tình với nhóm quan điểm thứ nhất do điều kiện áp dụng hình phạt đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Án treo không phải là hình phạt nên cũng không thể so sánh trực tiếp với hình phạt cải tạo không giam giữ. Thực tế áp dụng khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02/2018 cũng đang phát sinh nhiều vướng mắc, hiện Tòa án nhân dân tối cao cũng đang lấy ý kiến để thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2018 trong đó có nội dung “Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn có thể được hưởng án treo nếu có đủ các điều kiện khác”. Việc sửa đổi, bổ sung trên là rất cần thiết phù hợp với nguyên tắc không áp dụng các tình tiết định tội hai lần do thực tế phát sinh một số trường hợp đánh giá về tính chất, mức độ phạm tội là ít nguy hiểm cho xã hội và không cần thiết cách ly khỏi xã hội nhưng vẫn không đủ điều kiện áp dụng án treo. Ví dụ: A có tiền sự về hành vi đánh bạc chưa hết thời hạn để xem là không có tiền sự lại tiếp tục thực hiện hành vi đánh bạc với số tiền đánh bạc 1000 đồng. Theo quy định trên thì cũng không đủ điều kiện áp dụng án treo đối với A.
Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể áp dụng các quy định trên.