Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Và khi đủ 01 trong 02 căn cứ theo Điều 148 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ.
1. Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
2. Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Khi tạm đình chỉ thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Như vậy, khi tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì các hoạt động giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Áp dụng tương tự, có quan điểm cho rằng một số hoạt động xác minh, thu thập khác vẫn được tiến hành để có đủ cơ sở khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự khi phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 149 BLTTHS năm 2015 quy định, khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi).
Với quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp theo không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi nên thường có tâm lý cho rằng thời hạn phục hồi này sẽ không đủ để tiếp tục các hoạt động xác minh nhằm ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự và do vậy vẫn có thể tiến hành một số hoạt động xác minh hoặc thu thập thông tin trong giai đoạn này.
Thế nhưng giá trị pháp lý của các tài liệu được thu thập sau khi tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sẽ như thế nào. Vấn đề này chưa được quy định trong luật nên không có cơ sở để xác định giá trị pháp lý của các tài liệu được thu thập trong khi tạm đình chỉ và Cơ quan điều tra có nên tiến hành một số hoạt động trong giai đoạn này nữa hay không khi có điều kiện tiến hành thu thập.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an - Bộ Quốc Phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Trường hợp xét thấy đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra văn bản thông báo nêu rõ lý do cho cơ quan đang thụ lý, giải quyết và cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải dừng việc kiểm tra, xác minh, ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nghĩa là ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trong trường hợp này có nghĩa là, nếu khi đề nghị gia hạn thời hạn xác minh việc giải quyết nguồn tin về tội phạm mà không có căn cứ và Viện kiểm sát không gia hạn thời hạn xác minh thì cơ quan đang thụ lý phải dừng việc kiểm tra, xác minh và ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Vì thế, có thể suy luận, trong trường hợp đã ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì phải dừng việc kiểm tra, xác minh, không được tiến hành các hoạt động tiếp theo, trừ trường hợp giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp thì vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả hoặc khi có quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Vì vậy, khi Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, bảo đảm kết quả giải quyết và các yêu cầu kiểm tra, xác minh được thực hiện đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật cũng như việc thu thập các tài liệu, chứng cứ của Cơ quan điều tra sau khi tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin báo về tội phạm phải đúng theo trình tự, thủ tục quy định./.