Đối với vụ án dân sự có liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất thì theo quy định của pháp luật dân sự, việc định giá tài sản, đo đạc, xác định vị trí tranh chấp là thủ tục cần phải có để làm cơ sở Tòa án giải quyết vụ án. Theo Điều 104 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản như sau:
1. Đương sự có quyền cung cấp tài sản đang tranh chấp, thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.
2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.
Việc thẩm định giá tái sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.
3. Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên đương sự.
b. Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
c. Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Theo quy định trên, cùng với việc căn cứ vào khoản 1 - Điều 101 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trường hợp xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét thẩm định đó.
Như vậy, nếu các đương sự trong vụ án không thỏa thuận được giá và cũng yêu cầu định giá tài sản, mặc dù Tòa án đã giải thích nhưng nguyên đơn và bị đơn đều không muốn thực hiện việc đo đạc, thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào điểm b - khoản 3 - Điều 104 BLTTDS, trường hợp các đương sự không thỏa thuận được giá thì Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá và trong trường hợp này căn cứ theo khoản 3 - Điều 164 BLTTDS thì nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng.
Trong trường hợp khác, nguyên đơn đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá nhưng khi có kết quả giám định, kết quả định giá thì chi phí cao hơn số tiền tạm ứng mà Tòa án có yêu cầu nguyên đơn nộp bổ sung nhưng nguyên đơn không thực hiện thì Tòa án có được đình chỉ giải quyết vụ án không?
Theo quy định về việc đình chỉ vụ án tại điểm đ - khoản 1 - Điều 217 BLTTDS như sau:“Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này”. Đối chiếu theo quy định này thì không phải là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm đ - khoản 1 - Điều 217 BLTTDS. Việc xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài sản được thực hiện theo quy định Điều 162 và Điều 166 BLTTDS:
Thứ nhất, trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không phải chịu chi phí giám định, người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá không phải nộp chi phí định giá thì người phải chịu chi phí giám định, chi phí định giá tài sản theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng.
Thứ hai, trường hợp người đã nộp tiền chi phí giám định chịu chi phí giám định, người đã nộp tiền chi phí định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí thực tế thì họ phải nộp thêm phần còn thiếu; Nếu số tiền tạm ứng đã nộp hơn chi phí thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.