Cụ thể, nguyên đơn kháng cáo đối với quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm với lý do “Nguyên đơn chưa đủ điều kiện khởi kiện” nhưng trong giai đoạn thụ lý phúc thẩm nguyên đơn tự nguyện rút lại đơn khởi kiện, mà không rút đơn kháng cáo thì Hội đồng phúc thẩm sẽ giải quyết như thế nào?
Tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS quy định: “Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền:
a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án”.
Như vậy, tại khoản 5 Điều 314 của BLTTDS về thẩm quyền của Hội đồng phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị
không quy định đối với trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện và hiện nay Toà án nhân dân Tối Cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn, nên trong thực tiễn giải quyết án những người tiến hành tố tụng rất khó vận dụng pháp luật phán quyết.
Do đó, trong thực tiễn xảy ra trường hợp này thì Thẩm phán sẽ giải thích để đương sự hiểu cùng với việc rút đơn khởi kiện, thì đồng thời phải rút lại yêu cầu kháng cáo nếu nguyên đơn đồng ý thì Hội đồng phúc thẩm ra quyết định đình chỉ phúc thẩm giải quyết vụ án; Nhưng đối với trường hợp nguyên đơn chỉ rút khởi kiện, nhưng vẫn không đồng ý rút kháng cáo (không nộp đơn rút kháng cáo) dù đã được hướng dẫn, giải thích thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Ban hành văn bản tố tụng gì và căn cứ vào đâu để giải quyết dứt điểm vụ án?.
Trên đây là ý kiến trao đổi của tôi đối với trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có kháng cáo. Rất mong các đồng chí, đồng nghiệp cùng trao đổi./.