Để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án dân sự, hành chính và những việc khác theo quy định pháp luật thì việc phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa là cần thiết và vô cùng quan trọng, góp phần cùng với Hội đồng xét xử tuyên bản án có căn cứ và đúng quy định pháp luật. Nội dung và chất lượng của bài phát biểu sẽ thể hiện được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát. Do đó việc nâng cao hiệu quả, chất lượng của bài phát biểu là vấn đề thật sự cần thiết và đáng được quan tâm.
Theo quy định tại Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2015 về phát biểu của Kiểm sát viên “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”
Tại quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng hành chính(TTHC) năm 2015 về phát biểu của Kiểm sát viên “Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”
- Ngoài việc luật quy định về bài phát biểu của kiểm sát viên thì còn có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Như đã biết trước đây theo quy định của Bộ luật TTDS và TTHC (cũ) thì Viện kiểm sát chỉ phát biểu tập trung vào việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Từ khi Bộ TTDS 2015 và Bộ luật TTHC 2015 có hiệu lực thì Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, đây là sự thay đổi lớn, phù hợp và nâng cao được vai trò cũng như là chất lượng của Viện kiểm sát khi tham gia kiểm sát xét xử tại các phiên tòa dân sự, hành chính nói chung.
Theo nội dung hướng dẫn tại thông tư liên tịch 02/2016/TTLT VKSND-TAND ngày 30/8/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì nội dung bài phát biểu phải thể hiện được những ý sau:
+ Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
+ Kiểm sát viên phải nắm vững những diễn biến tố tụng mà thẩm phán, Hội đồng xét xử đã thực hiện có phù hợp với quy định của Luật TTDS, TTHC không.
+ Để bài phát biểu đầy đủ và chất lượng, Kiểm sát viên cần nắm rõ yêu cầu khởi kiện, đối tượng khởi kiện; thẩm quyền giải quyết của tòa án; thời hiện giải quyết vụ việc dân sự; trong vụ án hành chính phải xác định rõ còn hay không còn thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại Điều 116 Luật TTHC.
+ Khi xác định những người tham gia tố tụng cần lưu ý xem Tòa án thực hiện đầy đủ và xác định đúng tư cách những người tham gia tố tụng hay chưa. Và kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý đơn khởi kiện, có hay không có việc yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập và việc nộp tạm ứng án phí đối với những yêu cầu này theo quy định của pháp luật không.
+ Tòa án thu thập chứng cứ có đúng thủ tục luật định không? Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp tống đạt văn bản tố tụng; thời hạn tố tụng có đúng luật hay không.
+ Đối với những trường hợp Tòa án, các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục tố tụng cần ghi nhận trong bài phát biểu; Với những trường hợp có vi phạm thủ tục tố tụng thì cần tổng hợp những vi phạm này, nếu xét thấy là vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các đương sự thì Kiểm sát viên phải báo cáo đề xuất kiến nghị, kháng nghị.
* Nhằm nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa và góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hành chính theo tôi Kiểm sát viên cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Thứ nhất, khi được phân công kiểm sát hồ sơ và kiểm sát xét xử Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm rõ yêu cầu khởi kiện cũng như những chứng cứ có trong hồ sơ và kiểm sát chặt chẽ về tố tụng, nắm chắc các quy định của pháp luật. Đây là vấn đề rất quan trọng vì có nắm chắc tố tụng thì kiểm sát viên mới chủ động xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa và có những nhận xét đúng, đầy đủ, chính xác về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của nghững người tham gia tố tụng.
- Thứ hai, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa là tổng hợp của cả quá trình hoạt động kiểm sát của kiểm sát viên từ khi Tòa án thụ lý vụ án, đến thời điểm trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Thông qua bài phát biểu giúp cho những người tham gia tố tụng và nhân dân tham dự phiên tòa hiểu rõ được vai trò, vị trí của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hành chính. Vì vậy, kiểm sát viên phải chuẩn bị bài phát biểu theo đúng mẫu, trình bày rõ ràng, mạch lạc, lập luận chính xác, sắt bén có căn cứ pháp luật đối với từng vấn đề và kịp thời bổ sung những tình tiết, diễn biến mới phát sinh tại phiên tòa.
- Thứ ba, thực hiện những giải pháp sau để nâng cao chất lượng bài phát biểu như: Tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp nhất là tập huấn Bộ luật TTDS và Bộ luật Dân sự năm 2015. Quán triệt sâu sắc chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo tinh thần mới của Bộ luật TTDS. Nâng cao nhận thức đúng và đầy đủ quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị là những quyền năng cơ bản và quan trọng nhất của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự để thường xuyên rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các quyền này, bảo đảm có chất lượng, đúng pháp luật và hiệu quả cao nhất. Nâng cao chất lượng các buổi tập huấn chuyên đề nghiệp vụ. Nội dung tập huấn phải mang tính thiết thực, chuyên sâu, cụ thể và có hiệu quả. Thực hiện các giải pháp khác mang tính thực tiễn, đi sâu vào từng kỹ năng nghiệp vụ cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát việc giải quyết án dân sự trước, trong và sau phiên tòa.
- Thứ tư, lãnh đạo thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ của kiểm sát viên. Định kỳ quý, năm kiểm tra chất lượng xây dựng hồ sơ, chất lượng báo cáo đề xuất và bài phát biểu của Kiểm sát viên.
Tóm lại bài phát biểu Kiểm sát viên là một văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, hành chính, thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát trong toàn bộ quá trình xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tại phiên tòa, Bài phát biểu kiểm sát viên là một công cụ quan trọng để thể hiện quan điểm về toàn bộ việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người gia tố tụng. Ngoài ra, còn thể hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát đối với những vi phạm của Tòa án, đảm bảo việc ra bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật. Thông qua bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, hành chính khẳng định được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, hành chính. Bài phát biểu là nguồn tài liệu quan trọng để Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét ra một bản án có căn cứ và đúng pháp luật. Do vậy, cần phải hiểu và thực hiện đúng quy định về bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và vị thế của Viện kiểm sát tại phiên tòa./.