Sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự và đã được Tòa án thụ lý vụ án, trong quá trình Tòa án thực hiện các trình tự thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật tố tụng để giải quyết vụ án, thì nguyên đơn phạm tội vào một vụ án hình sự và bị bắt tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử ở một tỉnh khác. Cho nên, Tòa án không thể triệu tập nguyên đơn làm việc được, cũng như để tiến hành đưa vụ án ra xét xử khi đã hòa giải không thành. Đồng thời, Tòa án cũng không có căn cứ để tạm đình chỉ theo quy định Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự hay đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự, vì ở cả hai điều luật này đều không đề cập đến.
Việc nguyên đơn bị tạm giam lại ở tỉnh khác do vi phạm pháp luật hình sự, Tòa án thụ lý giải quyết vụ án dân sự biết do thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, còn việc liên lạc với nguyên đơn cũng như người thân nguyên đơn đều không được. Như vậy, vụ án dân sự vô tình bị kéo dài, vì Tòa án không làm việc được với nguyên đơn, cũng như không thể tiến hành các thủ tục khác theo quy định như phiên họp kiểm tra việc công khai, tiếp cận, chứng cứ và hòa giải... mà thời gian kéo dài sẽ làm thiệt hại đến quyền, lợi ích cho bị đơn, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Thông qua công tác kiểm sát, thì đây là vụ án có thật trong thực tế và đã quá hạn xét xử nhưng chưa giải quyết được. Ở đây, người viết xin đưa ra hai trường hợp như sau:
+ Thứ nhất, Tòa án thụ lý vụ án dân sự đến Trại tạm giam để làm việc với nguyên đơn nhưng không được, do các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự vì nhiều lý do khác nhau chưa cho làm việc với nguyên đơn.
+ Thứ hai, trường hợp nếu Tòa án thụ lý vụ án dân sự đến Trại tạm giam và làm việc được với nguyên đơn nhưng nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và không yêu cầu vắng mặt trong các phiên họp nhằm mục đích muốn kiểm tra tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải, xét xử thì Tòa án sẽ không thể nào giải quyết vụ án được vì các thủ tục đó đều vắng mặt nguyên đơn và vụ án cũng không thuộc trường hợp không được hòa giải theo Điều 206 Bộ luật tố tụng dân sự, hoặc không thuộc trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được theo Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự.
Theo quan điểm của người viết, để đảm bảo quyền và lợi ích cho người có liên quan đến vụ án và cả cho nguyên đơn thì cần có qui định trường hợp nguyên đơn trong vụ án dân sự đã bị bắt tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự thì Tòa án sẽ đình chỉ vụ án dân sự và nguyên đơn sẽ được khởi kiện lại vụ án dân sự sau khi đã chấp hành xong hình phạt hình sự, thời gian chấp hành hình phạt hình sự sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.