“Điều 298. Giới hạn của việc xét xử
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Quy định này của BLTTHS năm 2015 nhằm bảo đảm sự độc lập của Tòa án trong xét xử, bảo đảm phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa. Theo đó, không những Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, Tòa án còn có thể xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn. Như vậy, quy định này đã mở rộng giới hạn xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, quy định này đã bộc lộ những bất cập sau:
Thứ nhất, trong trường hợp Tòa án xét xử bị cáo về một tội danh nặng hơn Quyết định truy tố của Viện Kiểm sát và tội danh nặng hơn này không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện thì Toà án ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố về tội danh nặng hơn theo quy định Khoản 1 Điều 274 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, nếu Viện kiểm sát đã truy tố không đồng ý thay đổi tội danh, vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và không ban hành quyết định chuyển vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền mà trả lại hồ sơ cho Tòa án cấp huyện thì Tòa án cấp huyện sẽ làm như thế nào trong khi Điều 275 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh và giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện của các tỉnh khác nhau, giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh khác nhau, tòa án quân sự cấp quân khu, giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự mà không quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử khi Viện kiểm sát cấp huyện không đồng ý thay đổi tội danh nặng hơn và không chuyển vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên để truy tố theo thẩm quyền.
Thứ hai, Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có chức năng buộc tội, nếu Tòa án xét xử tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án đã vượt qua chức năng xét xử vì có thêm chức năng buộc tội. Như vậy, Tòa án vừa có chức năng xét xử vừa có chức năng buộc tội thì vô hình chung pháp luật đã làm mất đi chức năng bào chữa của các chủ thể. Bởi lẽ, Tòa án không còn là cơ quan trung gian phán quyết bản án dựa trên kết quả truy tố, bào chữa.
Qua phân tích trên, thiết nghĩ BLTTHS năm 2015 nên sửa đổi theo hướng giữ nguyên quy định về giới hạn xét xử của Tòa án như BLTTHS 2003 nhằm đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo.