Theo đó, dự án Luật hiện có 26 chương, 209 Điều, trong đó có những quy định mới, quan trọng về tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án đối với pháp nhân thương mại,v.v… Trên cơ sở nghiên cứu dự án Luật và đối chiếu với tình hình thực tiễn công tác, người viết nhận thấy dự án Luật vẫn còn có một số nội dung chưa phù hợp, cần được tiếp tục đóng góp, thảo luận ở các quy định sau:
Theo khoản 3 Điều 23 dự án Luật: Trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù, người chấp hành án được hưởng chế độ như đối với phạm nhân. Quy định này trên thực tế khó thực hiện hoặc thực hiện không thống nhất, bởi điều kiện hoạt động của các cơ sở giam giữ là khác nhau, bên cạnh đó, chế độ, quyền của phạm nhân được pháp luật hiện hành và cả dự án Luật (Điều 27) quy định rất nhiều, trong đó có các chế độ mang tính đặc thù như: Mặc đồng phục theo mẫu thống nhất, lao động, học nghề, thể dục, thể thao, văn nghệ, điện thoại, liên lạc,... Nếu giữ nguyên quy định như trên sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý, thực hiện các chế độ đối với người đang chờ chuyển đi chấp hành án. Thiết nghĩ nên bổ sung hai từ “một số” và cụm từ “Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an hướng dẫn chi tiết nội dung này”.
Cụ thể: “Trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù, người chấp hành án được hưởng một số chế độ như đối với phạm nhân. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an hướng dẫn chi tiết nội dung này”.
Trong dự án Luật cũng bổ sung 01 nội dung rất quan trọng về việc chế độ lao động và tổ chức lao động cho phạm nhân. Theo đó, phạm nhân có thể được tổ chức lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam. Ở khoản 4 Điều 33 dự án Luật có quy định việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam phải có sự đồng ý của phạm nhân đó, tuy nhiên quy định về các quyền của phạm nhân (khoản 1 Điều 27 ) lại không thấy đề cập đến việc phạm nhân được quyền từ chối lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam. Do đó, nên bổ sung thêm 01 điểm tại khoản 1 Điều 27 nội dung sau: “Được từ chối lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam” để thống nhất, phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 33.
Mặc khác, tại điểm đ, khoản 2 Điều 27 quy định về việc phạm nhân phải có nghĩa vụ bồi thường nếu làm hư hỏng, làm mất hoặc hủy hoại tài sản nơi chấp hành án. Xét thấy cần bổ sung thêm 01 đoạn vào cuối quy định trên nội dung “trường hợp nếu phạm nhân cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự” nhằm răn đe, giáo dục phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật, bảo quản tài sản nơi chấp hành án được tốt hơn.
Cụ thể là: “phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc hủy hoại tài sản nơi chấp hành án thì phải bồi thường. Trường hợp nếu phạm nhân cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự”.
Khoản 2 Điều 43 quy định: “Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân”. Tuy nhiên, lại không quy định cụ thể trường hợp nào phạm nhân có thể bị cùm chân khi bị giam tại buồng kỷ luật.
Theo đó, cần bổ sung như sau: “Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân nếu có hành vi chống phá quyết liệt trong buồng giam, la hét gây mất trật tự, có dấu hiệu, biểu hiện tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác”,…
Tại khoản 2 Điều 50 có quy định: “Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của phạm nhân được thực hiện theo nội quy trại giam”. Việc quy định trên là chưa phù hợp vì trên thực tế, phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam và nhà tạm giữ cũng được thực hiện các chế độ về thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình, do đó cần bổ sung cụm từ “trại tạm giam và nhà tạm giữ” ở cuối khoản 2 Điều 50 để việc quản lý, thực hiện được thống nhất.
Cụ thể: “Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của phạm nhân được thực hiện theo nội quy trại giam, trại tạm giam và nhà tạm giữ”.
Về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân, tại khoản 1 Điều 55 có quy định: “Phạm nhân được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện hoặc bệnh viện quân đội nơi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đóng tổ chức khám sức khoẻ cho phạm nhân”. Tuy nhiên, lại không quy định cụ thể thời gian tiến hành tổ chức khám sức khỏe cho phạm nhân được thực hiện khi nào, định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng hay 01 năm?./.