Qua nghiên cứu bài viết trao đổi nghiệp vụ của tác giả Lê Thành, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ về trao đổi quan điểm trong việc xác định tội danh đối với hành vi của Nguyễn Văn T có dấu hiệu của tội gì. Với những thông tin, dữ liệu tác giả đã nêu, cá nhân tôi có quan điểm đối với hành vi của Nguyễn Văn T như sau:
Thứ nhất, về quan điểm cho rằng hành vi của Nguyễn Văn T có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trước khi xem xét đến các yếu tố cấu thành khác của tội phạm này thì trước tiên chúng ta phải xác định được địa điểm xảy ra vụ việc có phải là “đường bộ” hay không. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì “Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”. Ngoài ra Luật giao thông đường bộ có quy định thế nào là công trình đường bộ, làn đường, phần đường, đường chính, đường nhánh….
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 58/2009/TT-BCA(C11) quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ do Bộ Công an ban hành thì tai nạn giao thông được quy định như sau: “Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Giao thông đường bộ thì “Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng…”
Từ những phân tích nêu trên, đối chiếu với nội dung vụ việc xét thấy trong trường hợp này, địa điểm xảy ra vụ việc là tại đoạn đường đang thi công, hệ thống giao thông chưa được hoàn thiện như chưa có làn đường, chưa có các loại biển báo, đèn đường…nói chung đoạn đường này đang trong giai đoạn xây dựng, chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng, hòa vào mạng lưới giao thông quốc gia nên nơi đây có thể xem là một công trường đang thi công, được rào chắn cẩn thận. Việc xảy ra tai nạn tại địa điểm này không được xem là một vụ tại nạn giao thông đường bộ. Do đó, cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng hành vi của T có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Thứ hai, đối với quan điểm cho rằng hành vi của T có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự. Như đã phân tích ở trên, do đây không phải là đường bộ mà có thể xem là một công trình thì việc xem xét vụ tai nạn này như một hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên trước hết chúng ta cần phải xem xét đến yếu tố lỗi trong vụ việc này. Theo dữ liệu người viết cung cấp thì nơi đây được rào chắn cẩn thận, người không có trách nhiệm, phận sự sẽ không được vào nơi này. Từ đó có thể thấy những người có trách nhiệm đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn lao động trong công trình. Việc nạn nhân bất ngờ xuất hiện ở nơi mà đáng lẽ ra chỉ có những người có trách nhiệm mới có thể có mặt tại đây nằm ngoài ý muốn của họ. Do đó chúng ta không thể xem xét đến yếu tố lỗi trong trường hợp này do vi phạm quy định về an toàn lao động. Vì vậy cá nhân tôi cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng hành vi của T có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về an toàn lao động.
Thứ ba, về quan điểm cho rằng hành vi của T có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự. Với việc phân tích loại trừ đối với 2 quan điểm trên, người viết đồng tình với quan điểm hành vi của T có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người. Bỏ qua yếu tố khách thể và chủ thể, khi xét về hành vi khách quan, thì việc nạn nhân bất ngờ có mặt tại hiện trường thì T hoàn toàn không biết. Trong trường hợp này có thể nói T hoàn toàn tin tưởng vào việc không có ai trong công trường ngoài những người có trách nhiệm nên khi lùi xe T không cần sự trợ giúp của người khác dẫn đến vụ tai nạn. Trong trường hợp này mặc dù T phải thấy trước hành vi lùi xe của mình là có thể gây ra nguy hiểm cho xã hội. Mặc dù hành vi của T cũng có phần cẩu thả khi không kêu người hỗ trợ khi lùi xe. Nhưng việc cẩu thả đó xuất phát tự việc T tự tin rằng sẽ không có ai trong công trường nên T đã tự tin lùi xe một mình. Do đó, trong trường hợp hành vi mà T đã thực hiện có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người với dấu hiệu lỗi vô ý vì quá tự tin.
Trên đây là ý kiến trao đổi của người viết, mong sự đóng góp ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.