Quan điểm thứ nhất cho rằng, căn cứ vào Điều 329 BLTTHS, sau khi xét xử, HĐXX ra quyết định giam Bị cáo 45 ngày (kể cả trong trường hợp Bị cáo là người dưới 18 tuổi hay trường hợp theo thủ tục rút gọn) để đảm bảo thi hành án;
Quan điểm thứ hai cho rằng, sau khi xét xử, HĐXX phải chấp hành giam Bị cáo 30 ngày theo khoản 1 Điều 419 đối với Bị cáo dưới 18 tuổi hay 22 ngày đối với Bị cáo theo thủ tục rút gọn.
Người viết bài nghiêng về quan điểm thư hai hơn, bởi các lý do:
Thứ nhất, các Nhà làm luật đã dầy công nghiên cứu, soạn thảo và đưa vào áp dụng thực tiễn với tên gọi “thủ tục đặc biệt” có nghĩa là việc nhận thức và hành động cũng phải đặc biệt, không thể làm theo thủ tục thông thường được.
Thứ hai, tại Điều 413 Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định về phạm vi áp dụng thủ tục Tố tụng đối với người dưới 18 tuổi như sau:
“Thủ tục Tố tụng của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này”.
Thứ ba, sau khi xét xử, thì HĐXX không thể nào biết được Bị cáo có kháng cáo hay không; Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên và Tòa án cấp trên có kháng nghị hay không? Do vậy, không thể lấy lý do là để đảm bảo thi hành án mà giam Bị cáo 45 ngày theo Điều 329 BLTTHS sau khi xét xử được. Giam như vậy là trái với quy định tại Điều 419 và Điều 459 BLTTHS. HĐXX phải tuân thủ theo quy định tại Điều 419 và Điều 459 của BLTTHS mà giam Bị cáo thì mới đúng.
Cụ thể:
Đối với trường hợp Bị cáo dưới 18 tuổi, giam Bị cáo 30 ngày thì đến ngày thứ 31 nếu không có kháng cáo, Kháng nghị thì ra quyết định thi hành án ngay, đồng thời gửi ngay QĐTHA đến Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp. Thiết nghĩ, việc làm này vẫn đúng quy trình và đúng thủ tục theo quy định.
Về thủ tục rút gọn thì sau khi kết thúc phiên Tòa, thẩm phán chủ tọa phiên Tòa nhanh chóng hoàn chỉnh bản án. Mặt khác nhanh chóng liên hệ (bằng văn bản)với VKS cùng cấp cũng như VKS và Tòa án cấp trên yêu cầu có ý kiến kháng nghị hay không kháng nghị đối với bản án đã tuyên thì cần có văn bản trả lời cho Tòa án đã xét xử biết trong thời hạn 22 ngày kể từ ngày tuyên án (trước khi hết thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm). Đến ngày thứ 23, nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì ban hành quyết định thi hành án và chuyển ngay cho Cơ quan THAHS và VKS cùng cấp để thực hiện. Thiết nghĩ nếu làm như thế thì cũng đảm bảo quy trình và theo quy định của pháp luật.
Theo người viết thì Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể việc giam Bị cáo trong hai trường hợp nói trên để không lúng túng trong áp dụng pháp luật.