Qua công tác Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra án hình sự trên địa bàn huyện Cờ Đỏ nhận thấy tội phạm xâm phạm đến sức khỏe của công dân xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng hành xử mang tính chất côn đồ, cố ý gây thương tích cho nạn nhân bằng hung khí nguy hiểm như dao, vật cứng chắc, vật nhọn, sắc bén,… nhiều vụ mang tính chất nghiêm trọng. Khi xảy ra sự việc, người bị hại đều gửi đơn tố giác tới cơ quan công an, đề nghị truy bắt đối tượng gây án để xử lý nghiêm trước pháp luật. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan Công an tiến hành xác minh làm rõ thì người bị hại không hợp tác, từ chối giám định thương tích dẫn đến không thể khởi tố để điều tra xử lý người phạm tội. Theo số liệu báo cáo, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 huyện Cờ Đỏ thụ lý tổng số 19 tố giác về hành vi cố ý gây thương tích, tuy nhiên chỉ khởi tố 06, không khởi tố 09, đang giải quyết 04. Tất cả các tố giác không khởi tố đều do bị hại từ chối giám định thương tích, có nhiều vụ việc nếu giám định dự đoán sẽ có kết quả thương tích lớn đủ yếu tố cấu thành tội phạm cần phải khởi tố vụ án không phụ thuộc vào quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Người bị hại từ chối giám định thương tích có nhiều nguyên nhân, có trường hợp do giữa người bị hại và đối tượng phạm tội có mối quan hệ gia đình, họ hàng, hoặc đối tượng và bị hại tự hòa giải bồi thường mà không đi giám định thương tích gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan điều tra.
Tại điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật tụng hình sự năm 2015 quy định về biện pháp dẫn giải có thể áp dụng đối với:“Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.
Đây là một biện pháp cưỡng chế hoàn toàn mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, quy định này nhằm khắc phục những trường hợp mà người bị hại từ chối việc giám định gây khó khăn trong quá trình giải quyết án hình sự cũng như hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới này cũng có những khó khăn, bất cập nhất định: Việc bị hại là cá nhân từ chối trưng cầu giám định có được xem là quyền của công dân hay không? Nếu đã là quyền thì dẫn giải họ liệu có hợp lý hay không? Tất cả biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của BLTTHS 2015 thì trước khi thi hành đều phải được gửi cho VKS cùng cấp để được phê chuẩn, hoặc vì lý do phải thực hiện ngay thì sau khi thi hành phải thông báo cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, đối với biện pháp dẫn giải người bị hại thì không thấy BLTTHS 2015 quy định phải gửi quyết định dẫn giải cho VKS cùng cấp. Như vậy, liệu có xảy ra trường hợp lạm dụng ra quyết định dẫn giải trái pháp luậttheo khoản 6 Điều 127 hay không?
Đề nghị liên ngành cấp trên cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề dẫn giải người bị hại đi giám định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy định mới này trên thực tiễn.