Quy định mới này, là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án có tình tiết đơn giản, rõ ràng góp phần làm giảm số lượng án dân sự ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay. Việc giải quyết vụ án nhanh chóng cũng góp phần tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức cho Tòa án và các đương sự, tạo điều kiện cho Tòa án tập trung vào việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp hơn mà vẫn đảm bảo tính pháp chế trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, khi xem xét các điều kiện để thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn trong thực tiễn còn gặp vướng mắc.
Từ khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực thi hành cho đến nay, hầu hết các Tòa án cấp huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ chưa có vụ án tranh chấp dân sự nào được thụ lý và giải quyết theo thủ tục rút gọn. Cũng có lý do tại sao các Tòa án không áp dụng thủ tục rút gọn! Nguyên nhân đó có thể đề cập đến đó chính là quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015, vụ án có đủ các điều kiện sau đây thì Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn:
a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Theo khoản 2 Điều 196 BLTTDS năm 2015, khi xem xét đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo, nếu đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán ban hành thông báo thụ lý vụ án, trong nội dung thông báo thụ lý vụ án phải xác định “Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn” (điểm đ khoản 2 Điều 196 BLTTDS năm 2015).
Với quy định như trên, thì thủ tục rút gọn khó thực hiện trên thực tiễn xét xử đối với các tranh chấp về dân sự; bởi vì, theo khoản 1 Điều 199 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có)”. Như vậy, sau khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền nêu ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong thời hạn 15 ngày. Khi nhận được văn bản nêu ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc Tòa án triệu tập để làm việc về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì mới xác định được các đương sự có thừa nhận nghĩa vụ hay không. Do đó, khi xem xét đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo của đương sự, chưa triệu tập các đương sự trong vụ án để xác định được họ có thừa nhận nghĩa vụ hay không, có phát sinh thêm chứng cứ mới hay không thì không thể xác định được vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Do vậy, quy định khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xác định vụ án lý theo thủ tục rút gọn là thiếu tính khả thi.
Cho đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn thủ tục nhận đơn khởi kiện đối với trường hợp vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn. Quy định về điều kiện để Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết các vụ việc dân sự được xác định từ khi Thẩm phán ban hành thông báo thụ lý vụ án là chưa thể thực hiện được trên thực tế.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, theo tác giả cần có văn bản hướng dẫn cụ thể theo một trong hai hướng như sau:
- Hướng thứ nhất, áp dụng thủ tục rút gọn không phải từ khi thụ lý vụ án mà áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án; bởi vì, khi các đương sự có mặt tại Tòa án qua quá trình giải quyết đã làm sáng tỏ nội dung vụ án, trên cơ sở đó Thẩm phán thụ lý xem xét vụ án đã rõ ràng, có tình tiết đơn giản, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, không phải thu thập thêm chứng cứ... Nếu đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán tiến hành áp dụng thủ tục rút gọn, nhưng vẫn đảm bảo thời gian giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. Trong nội dung Thông báo thụ lý vụ án không cần thiết ghi “Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn”. Khi xét thấy đủ điện kiện áp dụng thủ tục rút gọn, Thẩm phán sẽ ban hành quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án.
- Hướng thứ hai, khi xem xét đơn khởi kiện, bên cạnh việc người khởi kiện phải nộp những tài liệu chứng cứ theo quy định của BLTTDS năm 2015, Tòa án hướng dẫn, yêu cầu họ phải nộp thêm các tài liệu chứng minh bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) về việc thừa nhận nghĩa vụ của họ đối với người khởi kiện. Nếu đủ điều kiện áp dụng thụ tục rút gọn thì khi ban hành thông báo thụ lý vụ án Thẩm phán phải ghi “Vụ án được thụ lý theo thủ tục thủ tục rút gọn”.
Để các quy định của BLTTDS năm 2015 về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn áp dụng vào thực tiễn xét xử, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản hướng dẫn thi hành, hạn chế trường hợp điều luật có quy định nhưng thực tế không phát huy hiệu quả, đồng thời tránh trường hợp phải chuyển vụ án từ thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường.