Căn cứ pháp lý: Tại Điều 288 - Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thực hiện nghĩa vụ liên đới “1. Nghĩa vụ dân sự liên đới là loại nghĩa vụ nhiều người, trong đó, một trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nội dung nghĩa vụ hoặc một trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; 2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình,...”; Và tại Điều 11 - Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định: Việc thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới “1. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định hoặc xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới; 2. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự. 3. Trường hợp người được thi hành án có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho một hoặc một số người trong số những người phải thi hành nghĩa vụ liên đới không thi hành phần nghĩa vụ của họ thì phần nghĩa vụ không yêu cầu thi hành án được đình chỉ theo quy định,...”.
Trên cơ sở đó nhiều Bản án, Quyết định đã tuyên buộc từ hai người trở lên cùng có trách nhiệm liên đới trả cho một hoặc nhiều người phần nghĩa vụ dân sự bằng tiền và lãi suất chậm thi hành án tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán; Thật không khó thi hành nếu nghĩa vụ đó là tài sản bảo đảm hoặc người thi hành án có điều kiện thi hành, nhưng trên thực tế việc thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới là việc làm không dễ dàng, đã có trường hợp mất rất nhiều thời gian mà không thể thi hành án được do: một trong số những người có nghĩa vụ chưa có điều kiện thi hành án nhưng những người còn lại thể hiện ý thức không hợp tác do đây là nghĩa vụ chung lại không quy định rõ phần nghĩa vụ tương ứng với phần lỗi gây ra nên họ không đồng ý một mình chịu trách nhiệm toàn bộ hoặc phần nghĩa vụ của người chưa có điều kiện (ví dụ minh họa: A, B, C cùng bị xử phạt tù về hành vi cố ý gây thương tích cho D, Tòa án tuyên buộc cả A, B, C ngoài mức hình phạt tù tương ứng thì còn phải cùng liên đới bồi thường cho D số tiền 60.000.000 đồng tổn thất về sức khỏe, tinh thần; sau khi chấp hành án xong A, B bỏ địa phương không rõ đi đâu làm gì nên không thể xác định điều kiện thi hành án, chỉ có mình C trở về địa phương và bị kê biên tài sản bán tài sản để thi hành hành án số tiền 60.000.000 đồng, vấn đề đặt ra ở đây là sau khi đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án C có quyền yêu cầu A, B thanh toán lại phần nghĩa vụ C đã thực hiện thay theo quy định của pháp luật nhưng ở trường hợp này thì C sẽ yêu cầu A, B hoàn lại như thế nào và ai sẽ bảo về quyền lợi cho C). Một trường hợp khác sẽ khó thi hành hơn khi một trong số những người có nghĩa vụ chết mà không để lại tài sản thì ai sẽ chịu phần nghĩa vụ thay, nếu như yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ còn lại trả thì ai sẽ thực hiện phần nghĩa vụ hoàn lại cho họ - vấn đề này luật chưa điều chỉnh; Như vậy việc thi hành nghĩa vụ dân sự liên đới như đã nêu ở phần trên thực sự là khó khăn, đôi khi còn ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cả người được và người phải thi hành án.
Quan điểm của người viết: Khi xét xử, giải quyết các vụ án Tòa án không nên áp dụng cứng nhắc việc nhận định và buộc thi hành phần nghĩa vụ dân sự liên đới, mà nên xác định cụ thể nghĩa vụ của từng người trong khối nghĩa vụ liên đới – nhận định rõ trong Bản án, Quyết định để việc thi hành Bản án, Quyết định được thi hành một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời đảm bảo quyền lợi của người có quyền và người có nghĩa vụ; đối với việc một trong số những người có nghĩa vụ liên đới bỏ địa phương hoặc chết (không để lại tài sản) - cần có hướng dẫn thi hành đối với trường hợp này.