Thứ nhất, về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp:
Tại Điều 262, Điều 306 BLTTDS quy định: "Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án" là không phù hợp thực tiễn xét xử. Bởi vì phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp không những phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án mà còn phải căn cứ vào diễn biến trực tiếp tại phiên tòa. Bài phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên có thể được chỉnh sửa về nội dung và hình thức văn bản sau khi nắm bắt diễn biến trực tiếp tại phiên tòa, bài phát biểu còn phải được đóng dấu của Viện kiểm sát. Cũng có khi kết thúc phiên tòa, phiên họp cuối giờ làm việc buổi sáng hoặc cuối giờ buổi chiều thì bài phát biểu không thể gửi ngay cho Tòa án lưu hồ sơ. Cũng có trường hợp với đơn vị có số lượng án nhiều, một Kiểm sát viên có thể xét xử nhiều vụ trong một ngày thì việc gửi ngay bài phát biểu gây khó khăn, áp lực cho Kiểm sát viên. Do đó, theo tôi nên quy định bài phát biểu của Kiểm sát viên gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên toà.
Thứ hai, về quy định tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên:
Tại khoản 1 Điều 232, khoản 1 Điều 296, khoản 1 Điều 367 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên quy định này chưa phù hợp vì việc kiểm sát và phân công Kiểm sát viên được thực hiện khi Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ án và thời gian đưa vụ án ra xét xử cũng do Tòa án chủ động nên sẽ có trường hợp một Kiểm sát viên trùng nhiều vụ án trong một ngày, hay trường hợp do vụ án kéo dài dẫn đến trùng ngày xét xử các vụ án khác, hơn nữa có những trường hợp bất khả kháng Kiểm sát viên bị ốm đau, tai nạn... trong những trường hợp này Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa được. Do đó, Viện kiểm sát không thể kiểm sát các hoạt động tư pháp của Tòa án theo Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014.
Thứ ba, về chức năng kháng nghị của Viện kiểm sát
Việc thực hiện kháng nghị bản án quyết định của Tòa án trên thực tế cũng gặp khó khăn. Theo điểm b, khoản 1 Điều 5 Thông tư Liên tịch số 02 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu”.
Tuy nhiên, thực tế việc yêu cầu chuyển hồ sơ vụ cho Viện kiểm sát chưa được Tòa án thực hiện nghiêm, nhiều trường hợp Tòa án chỉ chuyển hồ sơ khi đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm thậm chí không chuyển hồ sơ. Trong khi theo Điều 280 BLTTDS năm 2015 thì thời gian kháng nghị là 07 ngày đối với quyết định, 15 ngày đối với bản án của Tòa án cùng cấp; 10 ngày đối với quyết định; 01 tháng đối với bản án của Tòa án cấp dưới. Việc chuyển hồ sơ chậm của Tòa án làm ảnh hưởng đến chức năng kháng nghị của Viện kiểm sát, dẫn đến số lượng kháng nghị không nhiều so với án bị hủy, sửa cơ bản.
Ngoài ra tại Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không quy định rõ thời gian Tòa án chỉnh sửa, bổ sung bản án, có trường hợp Toà án thông báo sửa chữa, bổ sung bản án khi bản án đã ban hành vài năm, hoặc khi Viện kiểm sát có kháng nghị thì Toà án lại thông báo sửa chữa, bổ sung bản án.