Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền và được đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng. Qua công tác thực tiễn công tác hiện vẫn còn có những quy định chưa phù hợp cần phải bổ sung, hướng dẫn thêm. Đây là những vấn đề đang khiến cho công tác giải quyết, trả lời khiếu nại - tố cáo với đương sự của ngành kiểm sát gặp không ít khó khăn, cụ thể là:
- Quy định về thời hiệu khiếu nại tại khoản 2 Điều 471 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 502 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định “ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đứng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu”. Việc xác định những trường hợp nào được xem là lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan để không tính vào thời hiệu khiếu nại để làm cơ sở cho việc xác định chính xác thời hiệu khiếu nại nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể sẽ gây khó cho công tác tiếp nhận và giải quyết đơn.
- Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, nhưng lại không quy định trách nhiệm của các cơ quan tư pháp phải thông báo việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại cho Viện kiểm sát. Thực tế hiện nay Viện kiểm sát chỉ kiểm sát và nắm được những đơn do đương sự gởi đến Viện kiểm sát, còn những đơn khiếu nại, tố cáo đương sự trực tiếp gởi đến các cơ quan tư pháp giải quyết thì Viện kiểm sát rất khó quản lý và nắm được để thực hiện chức năng kiểm sát.
- Đối với đơn thuộc lĩnh vực tư pháp nhưng không phải là đơn khiếu nại tố cáo về tư pháp như: đơn kiến nghị, đề nghị…. Có liên quan đến các vụ việc mà Viện kiểm sát đang thực hiện chức năng kiểm sát được công dân gởi đến đơn vị đang thụ lý và Viện kiểm sát rất nhiều, loại đơn này qui chế 51 cũng như các văn bản hướng dẫn của Ngành chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý giải quyết, dẫn đến việc giải quyết chưa thống nhất.
Trên đây là những khó khăn, vướng mắc mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn gặp phải. Mong rằng, trong thời gian tới sẽ có các văn bản hướng dẫn cụ thể để thuận tiện trong việc giải quyết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo hoạt động tư pháp.