Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:
“Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Đi vào phân tích điều luật trên thì:
- Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự: là hành vi của người thuộc đối tượng phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không thực hiện đăng ký hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ: là hành vi người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi giao nhận quân nhưng lại bỏ trốn. Thời điểm được coi là có lệnh nhập ngũ là thời điểm người đó nhận được lệnh gọi nhập ngũ của Chỉ huy trưởng BCH quân sự cấp huyện.
- Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện: là hành vi người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015phải thực hiện việc tập trung huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về, trốn tránh việc thực hiện chương trình huấn luyện.
Như vậy, theo điều luật trên có thể nhận định hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không phải là cấu thành cơ bản của Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự tại Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, theo khoản 8 - Điều 3 - Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì: “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.
Tại khoản 3 - Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định việc khám sức khỏe là việc “thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm NVQS đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện”.
Qua thực tiễn hoạt động tuyển quân hàng năm thì khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là hoạt động tiếp theo của việc đăng ký nghĩa vụ quân sự; trên cơ sở kết quả khám sức khỏe của từng công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra lệnh gọi công dân đó nhập ngũ nếu cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khác. Như vậy, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là bước chuyển tiếp giữa hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự và hoạt động nhập ngũ, nếu không thực hiện khám sức khỏe thì không thể nhập ngũ được. Hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe là hành vi xâm hại đến hoạt động của cơ quan nhà nước trong quản lý hành chính về thực hiện nghĩa vụ quân sự với tính chất, mức độ tương tự hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ.
Tại Mục 11 - Phần I Công văn số 5887/VKSTC-T14 ngày 05/12/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự. Hướng dẫn là không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 332 BLHS năm 2015.
Thực tế hiện nay, có nhiều đối tượng đang lợi dụng khe hở này để trốn khám nghĩa vụ quân sự, chấp nhận bị xử phạt vi phạm hành chính, mà không bị xử lý hình sự. Dẫn đến pháp luật về nghĩa vụ quân sự chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.
Theo quan điểm tác giả bài viết, đây là điểm chưa hoàn thiện trong quy định của Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cần sửa đổi, bổ sung Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự” để tăng cường tính răn đe đối với người cố tình trốn tránh việc khám sức khỏe; nhằm thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự và đảm bảo tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Rất mong được bạn đọc chia sẽ quan điểm của mình về vấn đề nêu trên!