Ngày 30/12/2016 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Theo đó, Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung, quy định mới nhiều nội dung so với Pháp lệnh 10/2009, trong đó mở rộng thêm đối tượng được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí và án phí.
Khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự, các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật, tùy theo loại vụ án, trên cơ sở lợi ích, mức lỗi của họ trong quan hệ pháp luật Tòa án giải quyết. Trong một số trường hợp, do tính chất của từng loại vụ án, điều kiện kinh tế của các đương sự, được pháp luật quy định việc miễn, giám án phí. Miễn giảm tiền tạm ứng án phí, án phí thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đều có thể tiếp cận công lý, hạn chế các trường hợp vì lý do tài chính mà Tòa án không thụ lý vụ án, làm cho quyền lợi hợp pháp của người dân không được đảm bảo, quyền khởi kiện không thể thực hiện trên thực tế.
Tại Điều 10 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 về án phí, lệ phí quy định những trường hợp không phải nộp tạm ứng án phí, án phí bao gồm:
1.Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.
3. Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hành chính.
4. VKS kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.
5. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 326 thì đối tượng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí và án phí, lệ phí dân sự được bổ sung thêm 02 đối tượng gồm: Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện vụ án hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Đối với các trường hợp miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí: Điều 11 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 về án phí, lệ phí quy định những trường hợp không phải nộp tạm ứng án phí, án phí bao gồm:
1. Người khởi kiện vụ án hành chính là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng.
2. Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
3. Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
4. Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh;
5. Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ;
6. Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Theo quy định Điều 12 Nghị quyết 326 đã bổ sung thêm đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí gồm: Người yêu cầu bồi thường về uy tín; trẻ em; cá nhân thuộc hộ cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật, người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ.
Những bổ sung nêu trên là hợp lý, tiến bộ, thể hiện tính nhân văn của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể có tranh chấp liên quan đến hoạt động phúc lợi xã hội cũng như người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần, trẻ em, những người có công với cách mạng.