Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự cũng có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử và các đương sự tham gia phiên tòa sơ thẩm, tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi Chủ tọa hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố, hỏi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thay đổi, bổ sung yêu cầu độc lập thì các đương sự này có quyền trình bày về việc thay đổi, bổ sung, theo diễn biến lúc này sẽ có các trường hợp xảy ra như sau:
Thứ nhất, các đương sự có thay đổi, bổ sung nhưng không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu thì không phải làm lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập và không phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với phần thay đổi, bổ sung đó. Đồng thời việc thay đổi, bổ sung của các đương sự phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Trên cơ sở, Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 235, Điều 236, Điều 244 Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS)để xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa, và việc Hội đồng chấp nhận hay không thay đổi, bổ sung của các đương sự phải ghi rõ trong bản án.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc trong hợp đồng mua bán, theo đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng đặt cọc buộc bị đơn trả lại tiền cọc và phạt vi phạm hợp đồng vì vi phạm nghĩa vụ nhưng tại phiên tòa nguyên đơn thay đổi yêu tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán, số tiền cọc sẽ trở thành tiền thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng mua bán và được bị đơn đồng ý. Ở đây, nguyên đơn có sự có thay đổi, bổ sung nhưng không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện và Hội đồng xét xử có thể xem xét chấp nhận.
Thứ hai, nếu việc thay đổi, bổ sung nhưng vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu thì phải làm lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập hoặc đương sự cung cấp chứng cứ mới. Hội đồng xét xử cũng căn cứ vào điều 235, Điều 236, Điều 244 Bộ luật TTDS, có thể phải hoãn phiên tòa, hoặc có thể tiếp tục xét xử và không chấp nhận việc thay đổi của đương sự.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng cầm cố đất, theo đơn khởi kiến nguyên đơn yêu cầu hủy hợp đồng cố đất các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nguyên đơn đồng ý trả lại số tiền 100.000.000 đồng đã nhận cầm cố của bị đơn, hai bên không làm giấy tờ. Tuy nhiên, bị đơn cho rằng số tiền, vị trí, diện tích đất, hai bên không làm giấy tờ đúng như nguyên đơn trình bày nhưng không phải là cầm cố mà bị đơn đã nhận chuyển nhượng từ nguyên đơn với số tiền là 100.000.000 đồng. Đồng thời, khai nhận đã từng cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi tách thửa nhưng do mùa nước cán bộ địa chính không đo đạt được và sau đó đã trả lại giấy chứng nhận cho nguyên đơn. Ở đây, cần phải hoãn phiên tòa để xác định xem có việc cán bộ địa chính nhận yêu cầu đo đạt không để có cơ sở xác định là cố đất hay chuyển nhượng, và giải quyết vụ án.
Thứ ba, tại phiên tòa đương sự có cung cấp chứng cứ mới và trên cơ sở chứng cứ đó mà thay đổi, bổ sung nội dung yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải xem xét chứng cứ đương sự mới cung cấp là chứng cứ gì, đã được thu thập trong hồ sơ vụ án hay chưa. Đồng thời, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó có cần thiết giải quyết trong cùng vụ án hay có thể tách ra giải quyết thành vụ kiện khác khi đương sự có yêu cầu, nếu việc tách ra giải quyết thành vụ khác không ảnh hưởng gì đến quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án và những người tham gia tố tụng khác.
Ví dụ: trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, theo đơn khởi nguyên đơn yêu cầu được hưởng di sản thừa kế do cha mẹ để lại tại thửa 987 trên địa bàn xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Tại phiên tòa, nguyên đơn xuất trình một giấy chứng quyền sử dụng đất tại thửa 986 cũng do cha mẹ để lại xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, các đương sự còn lại cũng thống nhất đó là tài sản do cha mẹ để lại và yêu cầu Tòa án hoãn phiên tòa để chờ tiếp tục khởi kiện phần thừa kế tại thửa 986. Ở đây, phần chia di sản thửa 986 có thể tách ra giải quyết thành vụ kiện khác khi đương sự có yêu cầu, và việc tách ra giải quyết thành vụ khác không ảnh hưởng gì đến quyền và nghĩa vụ của các đương sự nên yêu cầu này có thể không được chấp nhận.
Do pháp luật dân sự quy định cho phép, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội trước và tại phiên tòa sơ thẩm có khai thêm những vấn đề mới mà do hạn chế sự hiểu biết hoặc Tòa án không đề cập thì đương sự chưa trình bày đầy đủ. Cho nên, khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đòi hỏi phải nắm vững các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật TTDS và các pháp luật có liên quan và khả năng phân tích tình huống phát sinh tại phiên tòa, các thay đổi, bổ sung của đương sự, để đảm bảo cơ sở cho việc đề nghị Hội đồng xét xử tiếp xét xử vụ án, tạm ngừng phiên tòa hoặc hoãn phiên tòa sơ thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự cũng như đảm bảo vị thế của Viện kiểm sát khi kiểm sát tại phiên tòa.