Công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, là căn cứ để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác thời gian vừa qua mặc dù có nhiều sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, tuy nhiên vẫn có một số khó khăn, bất cập phát sinh cần được tháo gỡ.
Thứ nhất: Về việc kiểm sát đối với các hành vi xác định tiền án, tiền sự là căn cứ để khởi tố vụ án.
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.
Theo quy định tại khoản 1 - Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.…”.
Từ quy định trên đây có thế hiểu, những vi phạm do pháp luật quy định trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự thì được coi là vi phạm hành chính.
Trong khi Viện kiểm sát chỉ thực hiện chức năng kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính Viện kiểm sát không có chức năng kiểm sát. Chính vì vậy mà trong thời gian qua có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hành vi giữa tố giác, tin báo tội phạm và thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát hay là hành vi vi phạm hành chính và Viện kiểm sát không có chức năng kiểm sát đối với các quyết định xử phạt hành chính.
Cụ thể: Vào ngày 21/7/2021, qua tin báo của quần chúng nhân dân, Cơ quan điều tra Công an huyện tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Trương Thanh T, Nguyễn Hoàng S về hành vi đánh bạc, thu giữ trên chiếu bạc số tiền 4.505.000 đồng. Tại thời điểm này chưa xác định được A, B,T, L đã có tiền án, tiền sự về tội Đánh bạc, tội Tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc.
Khi đó có 02 quan điểm trái như sau:
+ Quan điểm 1: Trong vụ việc này đó là tin báo tội phạm, Cơ quan điều tra cần phải lập biên bản sự việc, vào thụ lý tin báo về tội phạm và tiến hành điều tra xác minh nhân thân, tiền án, tiền sự của các đối tượng. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được để ra quyết định giải quyết tin báo (Khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án) theo quy định tại Điều 154 hoặc theo Điều 157 BLTTHS 2015.
+ Quan điểm 2: Cho rằng đó chỉ là hành vi vi phạm hành chính, do vậy chỉ tiến hành lập biên bản đối với người có hành vi vi phạm hành chính, sau đó xác minh theo thủ tục hành chính, làm rõ về nhân thân của các đối tượng, nếu các đối tượng không có tiền án, tiền sự về tội Đánh bạc, tội Tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc thì ra quyết định xử phạt hành chính. Nếu một trong các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội Đánh bạc, tội Tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc thì làm thủ tục chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cơ quan điều tra lúc này mới thụ lý và Viện kiểm sát sẽ kiểm sát theo quy định.
Tương tự như vậy đối với các tội xác định tiền án, tiền sự là căn cứ để khởi tố vụ án như: Tội Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Do đó sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm sát mọi nguồn tin về tội phạm ngay từ khi thụ lý của Viện kiểm sát.
- Kiến nghị, đề xuất: Cần phải có sự hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng được thống nhất tránh những quan điểm khác nhau gây khó khăn trong công tác phối hợp.
Thứ hai: Về kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm tại Công an xã, phường, thị trấn: Theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021, Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
“5. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì thực hiện như sau:
…
b) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 07 ngày.
Trong quá trình xử lý tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại điểm này mà có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;
…”.
Theo quy định trên Công an xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm thì thực hiện lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm, sau đó chuyển đến Cơ quan điều tra Công an cấp huyện trong thời hạn 07 ngày. Tuy nhiên chưa quy định việc Công an xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm phải gửi thông báo cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc thụ lý nguồn tin về tội phạm.
- Kiến nghị, đề xuất: Ngoài việc quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết của Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như hiện nay, cần quy định thêm Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết đối với các tố giác, tin báo tội phạm tại công an các xã, phường, thị trấn tạo cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba: Đối với trường hợp, qua điều tra vụ án Cơ quan điều tra còn phát hiện có dấu hiệu có thêm đồng phạm hoặc có dấu hiệu của tội phạm khác song chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can đồng phạm, cũng chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án đối với tội phạm khác thì thực tế trong bản kết luận điều tra vụ án của Cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát thường lập luận là “Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ, đủ căn cứ xử lý sau”. Song thực tế thủ tục xử lý sau đối với nguồn tin tội phạm này đều lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thụ lý và thời hạn giải quyết đối với các nguồn tin này.
- Kiến nghị, đề xuất: Cần phải có thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng được thống nhất.
Chính vì vậy, trong thời gian tới kiến nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần xem xét hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc để công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đảm bảo toàn diện, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ lọt tội phạm./.