Theo quy định của Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), Viện kiểm sát (VKS) vừa được giao trách nhiệm thực hành quyền công tố, vừa thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, nhằm bảo đảm việc khởi tố, điều tra có căn cứ và hợp pháp, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, góp phần bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Cho nên, quá trình thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự là quá trình thực hiện quyền công tố của Viện kiểm sát đối với bị cáo, do đó đòi hỏi Kiểm sát viên thực hiện tốt việc xét hỏi, để làm sáng tỏ các tình tiết chứng minh sự thật khách quan của vụ án, để xác định hành vi của bị cáo có cấu thành tội phạm hay không. Kiểm sát viên không được “Xuôi một chiều” thỏa mãn với kết quả điều tra, với quan điểm truy tố trong Cáo trạng.
Như vậy, khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa để xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đòi hỏi Kiểm sát viên phải chủ động xét hỏi, đó không chỉ là quyền hạn mà còn là nhiệm vụ và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Nhiệm vụ này đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về hỏi bị cáo “Kiểm sát viên hỏi về tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội bị cáo…”.
Do đó, để làm tốt chức năng thực hành quyền công tố tại phiên Toà xét xử sơ thẩm hình sự thì Kiểm sát viên cần làm tốt các vấn đề sau:
Một là, Trước khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên phải là người nắm chắc toàn bộ hoạt động điều tra, bởi trong quá trình kiểm sát điều tra chỉ có KSV mới nắm được các tình tiết của vụ án và một khi nắm chắc toàn bộ hoạt động điều tra kể cả nắm được những hạn chế (nếu có) trong công tác điều tra, thì việc dự báo tình huống xảy ra tại phiên tòa sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn; thông qua kiểm sát điều tra vụ án và việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét tại chỗ các vật chứng, gặp bị can, người bị hại, người làm chứng, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng với việc nghiên cứu các dư luận báo chí, các khiếu nại tố cáo của đương sự... để từ đó KSV dự báo được các tình huống có khả năng xảy ra tại phiên tòa, như việc các bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ khai báo như thế nào? để Kiểm sát viên chuẩn bị các câu hỏi, trong đó chú ý dự báo kể cả việc có thể bị cáo chối tội, phản cung và những người tham gia tố tụng có thể khai tại phiên tòa, khác với lời khai lúc trước đã khai có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, để dự báo diễn biến phiên tòa được tốt thì KSV không những phải nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ án, chứng cứ vụ án mà còn phải am hiểu các dư luận xã hội đối với việc đưa vụ án ra xét xử. Ví dụ như, tình huống phát sinh tại phiên tòa theo hướng bị cáo phản cung, chối tội hoặc phát sinh tình tiết mới thì chuẩn bị những nội dung, căn cứ gì để phản bác lại hoặc chấp nhận. Cho nên cần phải có sự chuẩn bị có tính chất định hướng để tạo ra sự chủ động nhất là đối với những vụ án có nhiều bị cáo tình tiết phức tạp, bị cáo lúc nhận tội, lúc không nhận tội, lời khai của các bên không thống nhất hoặc bị cáo cho rằng xét xử oan, sai; không công bằng.
Hai là, phải xây dựng kế hoạch xét hỏi, để làm rõ các tình tiết gỡ tội cho bị cáo; tình tiết gỡ tội không mâu thuẫn với chức năng buộc tội mà chúng bổ sung cho nhau, bởi vì chỉ khi nào xác định được tất cả các tình tiết gỡ tội thì mới buộc tội đúng. Việc xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa sẽ làm cho những luận điểm trong cáo trạng được chứng minh công khai và là tiền đề cho việc luận tội của KSV có tính thuyết phục hơn trong phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, cũng cần xây dựng cả kế hoạch tranh luận tại phiên tòa và cần chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan tới việc xác định tội danh, khoản, điều luật để áp dụng hình phạt; trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án để chủ động đối đáp, tranh luận. Kế hoạch xét hỏi phải hỗ trợ và phục vụ ngay cho kế hoạch tranh luận tại phiên tòa.
Ba là, Trên cơ sở hồ sơ vụ án, KSV phải xây dựng bản luận tội trong đó dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa để kết hợp với kết quả xét hỏi, thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa nhằm phân tích, đánh giá chứng cứ để chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, cố ý hay vô ý? Có năng lực trách nhiệm hình sự hay không? Mục đích, động cơ phạm tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ; trách nhiệm hình sự của bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Trên cơ sở phân tích đánh giá chứng cứ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự phải đưa ra nhận định thể hiện việc quyết định truy tố ghi trong Cáo trạng là hoàn toàn đúng, hoặc có nội dung gì cần phải thay đổi như: thay đổi tội danh, khung hình phạt nhẹ hơn; rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố….
Tóm lại, Việc chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tham gia phiên Toà của Kiểm sát viên có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng của KSV khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự, từ đó cũng giúp được việc bảo vệ Cáo trạng truy tố của VKS được tốt hơn, đồng thời cũng tránh được hiện tượng oan sai hay bỏ lọt tội phạm.