Khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:
- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
- Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;
- Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
- Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;
- Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;
- Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng”
Đặc biệt Luật tố tụng hành chính 2015 quy định khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao lại và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.
Nhằm đảm bảo cho việc trả lại đơn khởi kiện đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khởi kiện Viện kiểm sát cần có giải pháp để đảm bảo thực hiện vấn đề trên đúng quy định pháp luật.
- Để kiểm sát chặt chẽ việc trả lại đơn khởi kiện cần có một số giải pháp để nâng cao chất lượng trong việc kiểm sát giải quyết việc trả lại đơn khởi kiện đối với vụ án hành chính như sau:
+ Đảm bảo việc kiểm sát 100% văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Để kiểm sát chặt chẽ, phát hiện được những vi phạm nếu có, cần có biện pháp đảm bảo việc kiểm sát được thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Cán bộ theo dõi việc trả lại đơn khởi kiện phải đôn đốc, nhắc nhở Tòa án gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện nếu có theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính 2015 là “Văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp”.
Khi nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát phải nghiên cứu kiểm sát về hình thức, nội dung văn bản có được làm đúng theo quy định luật tố tụng hành chính không, và kiểm sát Tòa án trả lại đơn khởi kiện có đúng lý do được quy định tại điều khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính 2015.
+ Đảm bảo việc kiểm sát được số liệu về việc trả lại đơn khởi kiện trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
Khoản 2 Điều 123 Luật tố tụng hành chính 2015 "Văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp". Do đó, nếu Viện kiểm sát chỉ kiểm sát khi Tòa án gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện đến Viện kiểm sát thì có thể dẫn đến việc kiểm sát không đầy đủ tất cả các trường hợp trả lại đơn khởi kiện vì Tòa án có thể không gửi đầy đủ văn bản trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính đến Viện kiểm sát. Để đảm bảo việc kiểm sát trả lại đơn khởi kiện được đảm bảo 100% trên tất cả các trường hợp thì Viện kiểm sát cần nắm được số liệu về trường hợp trả lại đơn khởi kiện của Tòa án hàng tháng, hàng quý và đưa vào số liệu cụ thể trong báo cáo hoạt động kiểm sát.
Vấn đề nắm chắc số liệu về trường hợp trả lại đơn khởi kiện là hết sức cần thiết, đây có thể xem là biện pháp nhằm đảm bảo chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát đối với vấn đề trên. Để nắm được số liệu cần có sự quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát nói chung và sự phối hợp giữa cán bộ làm công tác báo cáo với cán bộ phụ trách ghi sổ sách về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Từ việc nắm chắc số liệu Viện kiểm sát có thể chủ động trong việc yêu cầu Tòa án gửi thông báo trả lại đơn khởi kiện đến Viện và việc kiểm sát sẽ đảm bảo chặt chẽ, không bỏ sót trường hợp trả lại đơn khởi kiện nào.
+ Tham gia kiểm sát đối với các trường hợp trả lại đơn khởi kiện có khiếu nại, kiến nghị:
Văn bản trả lời đơn khởi kiện có thể bị đơn sự khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị, được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 124 Luật tố tụng hành chính quy định “Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện”
Trường hợp sau khi Tòa án bị khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện thì Tòa án phải mở phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp có sự tham gia của Viện kiểm sát. Theo quy định tại khoản 3 Điều 124 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được phân công thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiểu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện ngày sau khi quyết định mở phiên họp.
Do đó khi nhận được văn bản thông báo mở phiên họp Viện kiểm sát phải đảm bảo cử kiểm sát viên tham gia kiểm sát tại phiên họp nhằm đảm bảo đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện./.