Trong thời gian vừa qua, trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp người dân thường chịu án oan sai do bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình xét hỏi, lấy lời khai của các cơ quan điều tra. Xét thấy việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp; Đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo là cần thiết. Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (TTHS 2015) đã quy định về việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can tại khoản 6 - Điều 183, cụ thể: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh “theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Quy định bắt buộc này một mặt nhằm bảo vệ người bị áp dụng biện pháp tố tụng thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, tránh những trường hợp ép cung, nhục hình, là nguyên nhân xảy ra tình trạng oan sai, bức cung, nhục hình trong tố tụng hình sự trong thời gian qua, đồng thời còn là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh có hiệu quả đối với người có hành vi phạm tội, xác định sự thật khách quan vụ án, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sau này. Bên cạnh đó cũng giúp người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thể hiện nền tố tụng tiến bộ, văn minh,từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khách quan của những người tiến hành tố tụng, củng cố niềm tin vào công lý của nhân dân.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc áp dụng những quy định này vẫn chưa được chặt chẽ và đồng bộ, bởi lẽ còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho quá trình ghi âm, ghi hình.
Thiết nghĩ các ngành tư pháp ở Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về việc bắt buộc ghi âm, ghi hình đối với tất cả các vụ án hình sự hay chỉ nên ghi âm, ghi hình những vụ án có tính chất tổ chức, vụ án phức tạp, an ninh quốc gia rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, án không quả tang, án truy xét, tội phạm thực hiện hành vi nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nghi phạm có dấu hiệu phản cung.... Qua đó cũng cần quy định chi tiết trình tự, thủ tục việc thực hiện, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời phải đầu tư kinh phí, ngân sách, biên chế cho hoạt động này và rất nhiều vấn đề có liên quan để thực hiện thống nhất và có hiệu quả.