Theo đó, khoản 3 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung”. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về “trường hợp đặc biệt” theo quy định trên, dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm sát tại các cơ sở giam giữ.
Vậy, “trường hợp đặc biệt” dẫn đến “điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng giam giữ riêng…” cần được hiểu như thế nào?
Như đã đề cập, các văn bản luật chưa quy định cụ thể trường hợp nào là “trường hợp đặc biệt” theo khoản 3 Điều 18 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, nhưng qua thực tiễn công tác, người viết cho rằng đây là trường hợp: “Trong thời gian ngắn, cơ sở giam giữ phải tiếp nhận liên tục nhiều thành phần người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trong đó có những thành phần là người dưới 18 tuổi; phụ nữ; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm; hoặc những vụ án có nhiều bị can, v.v…” dẫn đến điều kiện thực tế của cơ sở giam giữ đó không đáp ứng việc phân loại, giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Vấn đề tiếp tục đặt ra ở đây là “điều kiện thực tế” đang tồn tại ở cơ sở giam giữ là gì?
Theo người viết, đó có thể là việc thiếu buồng giam giữ so với số lượng người bị giam giữ. Khoản 4 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ tạm giam có quy định: “Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02 mét vuông, được bố trí sàn nằm và có chiếu”. Nhưng trước tình hình tội phạm ngày một gia tăng và phức tạp về độ tuổi, giới tính, cũng như về tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, nhưng những buồng giam giữ tại các cơ sở giam giữ, nhất là ở Nhà tạm giữ cấp huyện của nhiều địa phương đã thiếu về số lượng và đang xuống cấp thì việc không đủ buồng giam để thực hiện phân loại, bố trí giam giữ là việc tất yếu. Đây có thể là nguyên nhân khách quan dẫn đến “cơ sở giam giữ không bảo đảm điều kiện thực tế để phân loại trong các trường hợp đặc biệt”.
Do đó, khi tiến hành kiểm sát, Viện kiểm sát cần đánh giá tổng thể, khách quan về điều kiện cơ sở vật chất, buồng giam giữ của các cơ sở giam giữ có bảo đảm cho việc bố trí, phân loại giam giữ đúng theo quy định hay không để kịp thời có biện pháp tác động phù hợp, đồng thời phải kiểm sát chặt chẽ hồ sơ tạm giữ, tạm giam, xem xét các tài liệu, thủ tục có liên quan đến việc bố trí, phân loại giam giữ. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam được giam giữ chung với các đối tượng khác loại trong cùng một buồng giam thì phải xem xét có quyết định giam, giữ chung của cơ sở giam giữ sau khi đã thống nhất với cơ quan thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT- BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 và Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 33/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an hay không?
Bởi theo 02 quy định trên thì:
“Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án có văn bản nêu rõ nội dung và thời gian áp dụng, gửi Thủ trưởng cơ sở giam giữ để thực hiện. Đồng thời thường xuyên trao đổi với cơ sở giam giữ về những thông tin liên quan; phối hợp với cơ sở giam giữ bảo đảm tuyệt đối an toàn trong việc bố trí giam giữ. Khi kết thúc, Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án có văn bản đánh giá kết quả và gửi Thủ trưởng cơ sở giam giữ”;
Và “Trong trường hợp đặc biệt cần phải giam giữ chung các đối tương khác loại trong cùng một buồng giam giữ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi thống nhất với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản”.
Trên đây là một số quan điểm cá nhân về quy định bố trí, phân loại giam giữ còn gặp vướng mắc qua thực tiễn công tác.