Trình tự giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm được quy định từ Điều 310 đến Điều 324 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015). Mục đích của việc áp dụng thủ tục rút gọn là nhằm giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật. Tuy nhiên kể từ ngày BLTTDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ chỉ phát sinh một vụ án “tranh chấp tiền lương” giữa nguyên đơn ông Trần Kiên Giang, ông Phan Thành Sil, ông Nguyễn Văn Đấu và ông Nguyễn Phát Tài với bị đơn Công ty cổ phần Vận tải sông biển Cần Thơ, được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Cụ thể: vào ngày 16/11/2017, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều thụ lý hồ sơ vụ án “tranh chấp tiền lương” giữa nguyên đơn ông Trần Kiên Giang, ông Phan Thành Sil, ông Nguyễn Văn Đấu và ông Nguyễn Phát Tài khởi kiện bị đơn Công ty cổ phần Vận tải sông biển Cần Thơ. Ngày 06/4/2018, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 318 BLTTDS năm 2015 ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn. Ngày 16/4/2018, Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử và tuyên “chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, buộc bị đơn Công ty cổ phần Vận tải sông biển Cần Thơ có trách nhiệm trả tiền lương cho các nguyên đơn; bị đơn phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 14.546.931 đồng; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày tuyên án các đương sự được quyền kháng cáo bản án. Đối với đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại nơi cư ngụ”. Đến ngày 16/5/2018, Tòa án cấp sơ thẩm tống đạt bản án sơ thẩm cho Công ty cổ phần Vận tải sông biển Cần Thơ. Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm nên Công ty cổ phần Vận tải sông biển Cần Thơ làm đơn kháng cáo.
Vào ngày 08/8/2018, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn đối với vụ án “tranh chấp tiền lương”nêu trên. Qua việc kiểm sát hồ sơ, Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật phát hiện một số vi phạm thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ, cụ thể như sau:
1/ Theo khoản 1 Điều 318 BLTTDS quy định “trong thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 195 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định”. Đối với vụ án nêu trên, Tòa án sơ thẩm thụ lý từ ngày 16/11/2017 nhưng đến hơn 4 tháng sau mới ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 06/4/2018 là trễ thời hạn so với quy định.
2/ Theo khoản 1 Điều 322 BLTTDS quy định“Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc bản án được niêm yết”. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm vẫn ghi nhận thời hạn kháng cáo là 15 ngày là chưa chính xác.
3/ Theo khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định “Đối với vụ án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí bằng 50% mức án phí quy định tại mục A Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này”. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm vẫn tuyên buộc bị đơn phải nộp án phí lao động sơ thẩm số tiền là 14.546.931 đồng, bằng 100% mức án phí đối với vụ án thông thường mà không giảm 50% là chưa đúng pháp luật.
Qua vụ án trên cho thấy, để làm tốt công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án từ khi thụ lý đến khi tuyên án, Kiểm sát viên cần nắm chắc những quy định của pháp luật, kiến nghị Tòa án khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm, bảo đảm đúng trình tự pháp luật, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.