Theo quy định pháp luật, Viện kiểm sát ngoài chức năng thực hành quyền công tố còn có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Một trong các hoạt động kiểm sát các hoạt động tư pháp là kiểm sát việc thụ lý và giải quyết các vụ, việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật.
Để kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý và giải quyết các vụ, việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật, Viện kiểm sát cần quan tâm chú trọng đến việc kiểm sát thụ lý vụ, việc của Tòa án và lập hồ sơ kiểm sát.
* Những giải pháp để nâng cao chất lượng trong việc kiểm sát thụ lý và lập hồ sơ kiểm sát đối với vụ, việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật
- Đối với công tác kiểm sát việc thụ lý vụ, việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật:
Theo quy định tại Điều 126 Luật Tố tụng hành chính; Và quy định tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự “ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án”
+ Khi nhận được thông báo thụ lý vụ án Viện kiểm sát phải phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Tố tụng theo quy định tại thông tư số: 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao. Việc ban hành quyết định phân công cần được tiến hành ngay sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án. Việc phân công Kiểm sát viên ngay từ giai đoạn thụ lý vụ án là để xác định trách nhiệm của Kiểm sát viên ngay từ giai đoạn đầu, Kiểm sát viên sau khi được phân công sẽ phải theo dõi sát quá trình giải quyết vụ án, thời hạn giải quyết vụ án đảm bảo được thực hiện đúng quy định pháp luật.
+ Vụ, việc án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật khi được phân công, Kiểm sát viên phải vào sổ thụ lý của đơn vị để theo dõi và quản lý, đồng thời kiểm sát nội dung thông báo thụ lý và lập phiếu kiểm sát theo mẫu. Qua việc kiểm sát chặt chẽ về thông báo thụ lý Viện kiểm sát sẽ nắm được số liệu về việc thụ lý của Tòa án, việc thực hiện thời hạn gửi thông báo thụ lý vụ án đến Viện kiểm sát có đúng thời hạn theo quy định pháp luật hay không, nếu phát hiện vi phạm trong giai đoạn thụ lý của Tòa án, Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị gửi đến Tòa án.
+ Ngoài ra trong giai đoạn kiểm sát thông báo thụ lý vụ án Viện kiểm sát cần quan tâm đến nội dung tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn để kiểm sát được việc thụ lý có đúng quy định pháp luật không và để nắm được chứng cứ nhằm kiểm sát được kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án.
+ Thông báo thụ lý vụ án là giai đoạn đầu trong quá trình giải quyết vụ, việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật nên để thực hiện tốt chức năng kiểm sát cần phải kiểm sát chặt chẽ và đầy đủ việc thụ lý của Tòa án làm tiền đề thực hiện tốt những bước tiếp theo của công tác kiểm sát đối với những loại án này.
- Đối với công tác lập hồ sơ kiểm sát vụ, việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật:
+ Công tác lập hồ sơ kiểm sát đối với các vụ hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa được Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn tại công văn hướng dẫn số 28/HD-VKSTC ngày 19 tháng 10 năm 2018 đã nêu chi tiết quy trình lập hồ sơ kiểm sát từ khi kiểm sát trả lại đơn khởi kiện cho đến giai đoạn quản lý sử dụng hồ sơ kiểm sát.
+ Sau khi đã kiểm sát thông báo thụ lý, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát thụ lý giải quyết vụ việc hoặc được phân công kiểm sát xét xử phải lập hồ sơ kiểm sát và trích cứu đầy đủ, trung thực lời khai của đương sự và các tài liệu khác. Lưu ý khi trích cần xác định rõ đó là tài liệu gốc, bản sao công chứng hay tài liệu photo để đánh giá tính chất pháp lý của nguồn chứng cứ. Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án, phân tích tổng hợp chứng cứ, điều luật cần áp dụng và các văn bản pháp luật có liên quan khác để dự kiến đề xuất đường lối xử lý vụ án với Lãnh đạo Viện; chuẩn bị dự thảo bài phát biểu và nội dung hỏi của Kiểm sát tại phiên tòa.
+ Hồ sơ thường gồm có hai giai đoạn, hồ sơ giai đoạn sơ thẩm và hồ sơ giai đoạn phúc thẩm, khi Viện kiểm sát lập hồ sơ kiểm sát, Kiểm sát viên cần nghiên cứu hồ sơ kỹ để kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án hoặc để tham gia phiên tòa, cần nắm rõ thủ tục tố tụng của Tòa án có được thực hiện đúng quy định pháp luật hay không, việc cung cấp và thu thập chứng cứ có đầy đủ để giải quyết vụ án hay chưa. Và hồ sơ kiểm sát cần lập đầy đủ về tố tụng và chứng cứ. Việc lập hồ sơ giải quyết vụ án, giúp Kiểm sát viên căn cứ để kiểm tra, xác định tính hợp pháp, đầy đủ của hồ sơ vụ án; căn cứ để nhận diện tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ.
Tóm lại việc lập hồ sơ kiểm sát cần được quan tâm và thực hiện đứng hướng dẫn, để đạt được kết quả trong việc lập hồ sơ thì việc nghiên cứu hồ sơ là tiền đề quan trọng để kiểm sát việc thụ lý, giải quyết và tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên. Việc nghiên cứu hồ sơ sẽ giúp Kiểm sát viên chuẩn bị đầy đủ các thủ tục tham gia phiên tòa; chuẩn bị phát biểu quan điểm giải quyết vụ án phù hợp và đúng quy định pháp luật./.