Hoạt động thu thập chứng cứ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định tới việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, việc Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ không đầy đủ sẽ thay đổi bản chất vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp” (Điều 93 bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Có thể nói, chứng cứ là công cụ để các đương sự chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng, có căn cứ và hợp pháp. Từ những chứng cứ đã xác định được, Tòa án sẽ căn cứ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập cụ thể của đương sự và quy định của pháp luật để đưa ra phán quyết phù hợp, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vụ kiện.
Trong tố tụng dân sự quy định: Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Điều này cũng được khẳng định tại Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành quy định của BLTTDS.
Trong thực tiễn kiểm sát, có nhiều vụ án sau khi Tòa án lập hồ sơ và chuyển đến Viện kiểm sát để nghiên cứu, tham gia xét xử thì Viện kiểm sát phát hiện những vấn đề chưa được Tòa án làm rõ mà chỉ sau khi đã xác minh, làm rõ các vấn đề đó mới có cơ sở để giải quyết vụ án chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Do vậy, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật, bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Công chức, Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự cần thực hiện tốt quyền năng này. Đặc biệt, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cần bám sát Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao để đề ra bản yêu cầu Toà án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ giúp cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nhằm hạn chế bị hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Để thực hiện tốt yêu cầu này, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát hồ sơ vụ án cần nghiên cứu, xác định được yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự; xác định đối tượng, phạm vị khởi kiện, mối quan hệ tranh chấp trong vụ án là gì; tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, người làm chứng xuất trình…từ đó xác định tài liệu nào là chứng cứ, tài liệu nào không phải là chứng cứ; cần thiết phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ nào không? Việc Toà án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng theo quy định hay chưa như: thủ tục tống đạt, thủ tục mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; thủ tục thông báo cho đương sự…, Toà án đã tiến hành lấy lời khai, đối chất giữa các đương sự trong vụ án có nhiều mâu thuẫn hay chưa; đã tiến hành đo đạc, thẩm định tại chỗ hay có trưng cầu giám định của cơ quan chức năng chưa, có thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án mà đương sự không thể tự mình thực hiện được mà đương sự có yêu cầu không …
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, xét thấy Tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, cần phải yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ thì kịp thời báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện cho ý kiến. Văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo mẫu do VKSND tối cao ban hành và phải nêu rõ lý do, căn cứ, yêu cầu.
Việc ban hành văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong từng vụ án phải phù hợp, chính xác, có căn cứ thuyết phục nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả và vị thế của VKSND trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự, là cơ sở quan trọng để VKSND thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật./.