Qua công tác kiểm sát thực tiễn thời gian vừa qua, có rất nhiều trường hợp người liên quan hoặc tổ chức hữu quan yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Theo Điều 22 BLDS năm 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau: Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, nghĩa vụ liên quan hoặc của cơ quan tổ chức hữu qua, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở của pháp y tâm thần.
Điều 23 BLDS năm 2015 quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, nghĩa vụ liên quan hoặc của cơ quan tổ chức hữu quan, trên cở sở kết luận của pháp y tâm thần, Tòa án quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Trong cuộc sống, khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức được hành vi của mình hoặc trường hợp một người bị nghiện ma túy, bị nghiện chất kích thích khác có thể hạn chế khả năng nhận thức của họ, nhưng họ vẫn có thể xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, dẫn đến hậu quả là làm thiệt hại đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ, thậm chí có liên quan đến người khác. Cho nên, BLDS cũng đã cho phép người liên quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự khi có kết luận giám định của pháp y tâm thần và phải tuân theo các trình tự thủ tục tại chương XXIV, cụ thể là từ Điều 376 đến Điều 380 của BLTTDS năm 2015.
Ví dụ: trường hợp Nguyễn Văn A theo kết luận của pháp y tâm thần là bị mắc bệnh hội chứng Down, không tiền sử nghiện chất, không tiền sử chấn thương sọ não. Từ nhỏ phát triển chậm hơn so với lứa tuổi, không học được, lớn lên khù khờ, không biết đọc-viết, không biết sử dụng tiền, không tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân nhưng không sạch-gọn, chỉ làm được những việc đơn giản trong nhà. Ý thức tiếp xúc chậm, tri giác chưa phát hiện ảo giác, tư duy nhịp chậm, nội dung nghèo nàn, khó thực hiện các hoạt động trí não, chưa phát hiện hoang tưởng, khả năng tập trung và trí nhớ kém, trắc nghiệm trí tuệ không làm được. Và kết luận về y học: có bệnh lý tâm thần, chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình, về năng lực: bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần.
Như vậy, theo kết luận này Tòa án chỉ có thể tuyên bố Nguyễn Văn A bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, người liên quan lại yêu cầu tuyên bố Nguyễn Văn A mất năng lực hành vi dân sự vì lý do bị bệnh Down bẩm sinh, Nguyễn Văn A không thể tham gia bất kỳ giao dịch dân sự nào và đã gây rất nhiều khó khăn cho người liên quan trong vấn đề các thủ tục hành chính nên yêu cầu Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Theo quan điểm của người viết thì sẽ có hai quan điểm về vấn đề này như sau:
+ Thứ nhất, Tòa án chỉ có thể căn cứ trên kết luận của pháp y tâm thần và tuyên bố Nguyễn Văn A bị hạn chế năng lực hành vi dân sự dù người liên quan có yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
+ Thứ hai, căn cứ vào Thông tư số 18/2015/TT- BYT ngày 14/7/2015 thì trường hợp của Nguyễn Văn A không được quy định cụ thể, nội dung kết luận giám định đã xác định Nguyễn Văn A bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần nhưng không thuộc bệnh lý tâm thần nào được liệt kê tại các mục từ thông tư vừa diện dẫn, cụ thể:
1. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần các ảo giác thực tổn (F06.0).
2. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn hoang tưởng thực tổn (F06.2).
3. Kết luận giám định và biên bản giám định rối loạn nhân cách thực tổn (F07.0).
4. Kết luận giám định và biên bản giám định hội chứng sau chấn động não (F07.2).
5. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu và các chất có thuốc phiện (F10, F11).
6. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần Bệnh tâm thần phân liệt (F20).
7. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn tâm thần phân liệt (F21).
8. Kết luận giám định và biên bản giám định rối loạn hoang tưởng (F22.0).
9. Kết luận giám định và biên bản giám định rối loạn loạn thần cấp (F23).
10. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn phân liệt cảm xúc (F25).
11. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần giai đoạn hưng cảm (F30).
12. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn cảm xúc lưỡng cực (F31).
13. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần giai đoạn trầm cảm (F32).
14. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần phản ứng với stress cấp (F42.0).
15. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần các rối loạn sự thích ứng (F43.2).
16. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn nhân cách Paranoid (F60.0).
17. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn nhân cách dạng phân liệt (F60.1).
18. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn nhân cách chống xã hội (F60.2).
19. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định (F60.3).
20. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần bệnh chậm phát triển tâm thần (F70 - F79).
21. Kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần bệnh động kinh (G40).
Cũng theo các quy định từ Thông tư số 18/2015/TT- BYT ngày 14/7/2015, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khi mắc các bệnh lý tâm thần thì có thể bệnh tâm thần đang được thuyên giảm hoặc có thể hồi phục nhưng trường hợp Nguyễn Văn A đã bị mắc hội chứng Down bẩm sinh, không học được, không biết đọc, biết viết, không biết sử dụng tiền, khó thực hiện các hoạt động trí não, không làm được trắc nghiệm trí tuệ… thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự là phù hợp với thực tế.