Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Đồng thời Bộ luật này cũng quy định cá nhân có đủ điều kiện quy định thì được làm người giám hộ, cụ thể:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Như vậy, đối chiếu với quy định này, Nguyễn Văn B không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích, không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và càng khó có thể nhận định việc mua bán trái phép chất ma túy trên bị xem là người có tư cách đạo đức không tốt cho nên về điều kiện thì B vẫn có thể làm người giám hộ cho A.
Tuy nhiên, B là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và là người mà cơ quan điều tra đang làm rõ để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, và nếu như quá trình điều tra, Nguyễn Văn A khai nhận cha ruột của mình là người có hành vi mua bán trái phép chất ma túy (lúc này B cũng sẽ là bị can trong cùng vụ án) thì có thể quyền lợi của A và B sẽ đối lập nhau. Nhưng nếu như có sự hiện diện của B thì A sẽ không khai báo trung thực, con ruột khó có thể khai nhận cha ruột là người bán ma túy, thậm chí khai theo hướng có lợi cha ruột của mình. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, năm 2015 không quy định trong trường hợp này B không được làm người giám hộ cho A. Tuy nhiên, có thể viện dẫn quy định tượng tự về người bào chữa thì một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Do đó, có thể lập luận, khi quyền và lợi ích của những tạm giữ, bị can, bị cáo đối lập nhau thì người bào chữa không được bào chữa cho những người này, trong khi đó, quyền và lợi ích của người giám hộ và người được giám hộ đối lập nhau và người giám hộ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì càng không thể tiến hành việc giám hộ.
Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên cũng không quy định về vấn đề này. Thông tư chỉ đề cập: Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho đại diện của gia đình để bảo đảm sự có mặt của họ. Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can khi không có mặt đại diện gia đình chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó không có gia đình, đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc họ từ chối tham gia. Nếu thấy cần thiết cho quá trình lấy lời khai, hỏi cung thì có thể cho đại diện gia đình hỏi người bị tạm giữ, hỏi bị can những câu hỏi mang tính chất động viên, thuyết phục, giáo dục. Đại diện gia đình không được hỏi những câu hỏi mang tính chất gợi ý, định hướng, câu hỏi mang tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án. Khi thấy đại diện gia đình có dấu hiệu thông cung, mớm cung phải lập tức yêu cầu đại diện gia đình dừng ngay việc hỏi và lập biên bản về việc này.
Với các quy định trên, thì việc giám hộ này có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không. Theo Điều 04 Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27 tháng 08 năm 2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Những trường hợp sau đây được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự:
a) Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của BLTTHS phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng đã không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;
b) Không yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của BLTTHS;
c) Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
d) …
Đối chiếu với quy định của Thông tư này thì việc giám hộ trên không thuộc trường hợp “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định” vì Bộ luật Tố tụng Hình sự không quy định vấn đề này. Và không thuộc trường hợp “đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng” vì những người tham gia tố tụng trong vụ án này không bị xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp. Đồng thời vấn đề này cũng không thuộc các trường hợp được liệt kê từ điểm a đến điểm c nói trên nên không bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Song việc giám hộ đó có thể làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Quan điểm của người viết cho rằng, mặc dù các quy định của pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc, tuy nhiên, trên thực tiễn trong trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng không nên yêu cầu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án giám hộ cho người bị tạm giữ vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện của vụ án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ không thừa nhận hành vi vi phạm của mình, quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm sẽ khó khăn hơn và dễ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.