Theo đó, một trong những nguyên tắc tổ chức hụi là nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Nghị định 19/2019/NĐ-CP cũng đã quy định chặt chẽ về hình thức thoả thuận dây hụi. Cụ thể, thoả thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản, thay vì bằng lời nói hoặc văn bản như trước đây. Văn bản thoả thuận này được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.
Đối với lãi suất trong hụi có lãi được quy định như sau: Lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó. Nếu lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Cũng theo Nghị định này, chủ hụi sẽ phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên;
- Tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
Nếu chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ thông báo nêu trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Nghị định 19/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/4/2019 và thay thế Nghị định 144/2006/NĐ-CP.