Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS) đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, ngoài quy định thêm những nội dung mới có lợi cho người phạm tội và khắc phục được những hạn chế mà Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 chưa quy định thì bên cạnh đó việc vận dụng các quy định của BLTTHS vẫn còn có một số vướng mắc, đặc biệt từ khi Nghị quyết 05/2017-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (NQ 05) có hiệu lực thi hành mà giữa BLTHS và Nghị quyết số 05 chưa có sự hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng.
Người viết xin có một số trao đổi sau:
Thứ nhất, trường hợp bị can đang bị áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố. Khi Viện kiểm sát có Cáo trạng truy tố chuyển hồ sơ sang Tòa án nhưng Tòa án thấy có thể thay đổi biện pháp tạm giam cho gia đình bảo lĩnh chờ xét xử hoặc trong giai đoạn này bị can, bị cáo bị bệnh cần phải được đưa đi điều trị dài ngày, lãnh đạo Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đề xuất với Tòa án cho bảo lĩnh để đưa đi điều trị, Tòa án muốn cho bảo lĩnh thì lại gặp vướng ở chỗ trong 60 biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 05 không có biểu mẫu nào là biểu mẫu thay đổi biện pháp ngăn chặn hoặc biểu mẫu cho Bảo lĩnh nên khi gặp trường hợp này thì phải làm như thế nào, trình tự thực hiện ra sao thì chưa thấy có hướng dẫn.
Thứ hai, tại Điều 123 BLTTHS quy định việc cấm đi khỏi nơi cư trú và thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, Cơ quan điều tra áp dụng biểu mẫu số 22 ban hành kèm theo Thông tư số 61 ngày 14/12/2017 của Bộ Công an ở giai đoạn điều tra; Viện kiểm sát áp dụng biểu mẫu số 51 ban hành kèm theo Quyết định số 15 ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong giai đoạn truy tố và đều có quy định thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú ở từng giai đoạn tố tụng. Nhưng trong 60 biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 05 cũng không có biểu mẫu cấm đi khỏi nơi cư trú và nếu trong trường hợp “chế mẫu” để áp dụng mà trong thời hạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử vụ án phải bị hoãn phiên tòa hoặc tạm đình chỉ cho bị can hoặc bị cáo bị bệnh cần phải điều trị đến khi sức khỏe bình phục có thể đưa ra xét xử được thì phải thực hiện thế nào trong khi Điều 123 không có quy định được gia hạn thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Một vấn đề nữa là Lệnh cấm đi khởi nơi cư trú của Cơ quan điều tra được áp dụng trong thời hạn điều tra, đến khi kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát, Tòa án có được tiếp tục sử dụng Lệnh này không khi thời hạn ghi trong lệnh vẫn còn, Tòa án có được tiếp tục sử dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cứ trú của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố không trong khi Lệnh vẫn còn hay từng cơ quan phải ra Lệnh mới ở từng giai đoạn thì chưa được hướng dẫn cụ thể để áp dụng.
Thứ ba, tại Khoản 3 Điều 178 BLTTHS quy định: “Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Nhưng trong 60 biểu mẫu ban hành kèm theo NQ 05, trong đó có biểu mẫu số 05 là “Quyết định tạm giam” (áp dụng biện pháp tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo đang bị tạm giam) chứ không phải Lệnh tạm giam như quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS.
Thiết nghĩ, với những bất cập nêu trên cần có hướng dẫn của liên ngành Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thống nhất thực hiện./.