Trình tự thủ tục giải quyết các vụ án dân sự phúc thẩm được thực hiện theo các quy định từ Điều 270 đến 284 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án nếu đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện không đồng ý với các phán quyết của Tòa án thì có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, trong nội dung của một số điều luật này chưa quy định rõ ràng nên việc áp dụng pháp luật từng đơn vị quận, huyện trong thành phố Cần Thơ không thống nhất, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 276 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:
“1. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn”.
Thực tế, một số Tòa án cấp sơ thẩm khi nhận đơn kháng cáo đã tùy nghi hiểu cụm từ “Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm” để kéo dài thời gian ban hành Thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không vi phạm tố tụng. Mục đích của việc kéo dài này có thể do số lượng án giải quyết quá nhiều Thẩm phán, Thư ký không đủ thời gian để xử lý ngay đơn kháng cáo hoặc Thẩm phán, Thư ký quên ban hành Thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, dẫn đến việc đương sự có đơn kháng cáo phải mất nhiều thời gian chờ đợi, có khi mất từ 3 - 4 tháng. Bất cập này là do quy định về việc kiểm tra đơn kháng cáo theo Điều 274 Bộ luật Tố dụng Dân sự, không nêu rõ Tòa án cấp sơ thẩm được bao nhiêu ngày kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo nên Thẩm phán, Thư ký chưa quan tâm, chú trọng đến vấn đề này. Việc kéo dài thời hạn ban hành Thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các đương sự có đơn kháng cáo, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp “Hơp đồng tín dụng” giữa Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, địa chỉ: Số 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Bị đơn: ông Nguyễn Thanh T và bà Lê Thị Thanh T, cùng địa chỉ: ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa vụ án ra xét xử vào ngày 27/12/2017 đến ngày 18/01/2018 bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm đơn kháng cáo. Tòa án cấp sơ thẩm nhận đơn kháng cáo vào ngày 19/01/2018, tuy nhiên sau khi nhận đơn và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm không ban hành ngay “Thông báo về việc đóng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm” mà đến 4 tháng sau mới ban hành (ngày 18/5/2018) là chưa kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người kháng cáo.
Tuy nhiên, do các quy dịnh của pháp luật tố tụng dân sự chưa rõ ràng, dễ hiểu nên cần có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể về thời hạn kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo và sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp dân sự, đặc biệt các tranh chấp kinh doanh thương mại. Đồng thời làm cơ sở để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị khi Tòa án có vi phạm.