Trong thời gian gần đây các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn chiếm tỉ lệ cao trong số các vụ án dân sự, hành chính. Để kiểm sát giải quyết các vụ án có căn cứ và phù hợp pháp luật đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nắm vững những quy định để vận dụng vào việc giải quyết vụ án.
Hiện nay, các Nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai năm 2013 đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai. Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất. Do vậy Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết án hành chính cần lưu ý các điểm mới sau:
1. Xác định loại đất
Người sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại Điều 11 Luật đất đai nhưng sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất xác định theo hiện trạng đất đang sử dụng. Nếu do lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép thì dựa vào nguồn gốc đất để xác định loại đất.
Điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này phải sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, được UBND cấp xã xác nhận đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…
2. Thu hồi đất đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất
Việc thu hồi đất đối với trường hợp người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước mà đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không chấp hành. Tuy nhiên không phải bất cứ trường hợp nào không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước đều bị thu hồi mà phải có thêm điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
3. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất
Diện tích đất tăng thêm không có giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai thì được xem xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất giao không đúng thẩm quyền.
Người sử dụng thửa đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nếu đất đó không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch nếu có nhà ở hoặc không có nhà ở thì được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
5. Xử lý quyền sử dụng đất đang cho thuê, đang thế chấp khi Nhà nước thu hồi đất.
Đất đang cho thuê, thế chấp mà Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, mục đích công cộng thì hợp đồng thuê đất, hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất bị chấm dứt. Việc xử lý quyền và nghĩa vụ có liên quan đến quyền sử dụng đất giữa các bên trong hợp đồng thuê đất, hợp đồng thế chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Đất đang cho thuê thuộc trường hợp bị thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai thì hợp đồng thuê đất bị chấm dứt và việc thu hồi đất thực hiện theo quy định sau:
Trường hợp bên cho thuê đất là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi đất. Bên cho thuê đất phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê đất theo quy định của pháp luật về dân sự;
Trường hợp bên thuê đất là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì theo quy định của pháp luật về dân sự;
Trường hợp người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai không phải là bên cho thuê đất hoặc bên thuê đất thì Nhà nước thu hồi đất và người gây ra hành vi vi phạm có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại theo quy định.
Khi Nhà nước thu hồi đất quy do vi phạm pháp luật về đất đai mà quyền sử dụng đất đó đang được thế chấp thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất bị chấm dứt; bên thế chấp phải hoàn trả khoản vay cho bên nhận thế chấp theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
7. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật:
- Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;
- Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này;
- Sử dụng đất do nhận thừa kế quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.
8. Thời hiệu giải quyết tranh chấp và hiệu lực thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Cưỡng chế, điều kiện cưỡng chế quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật
Về thủ tục gửi đơn giải quyết tranh chấp: Sau khi nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của người có thẩm quyền mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết thì phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền.
Về thời điểm phát sinh hiệu lực của quyết định giải quyết tranh chấp: Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có hiệu lực thi hành.”
Về cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai: Các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp đã vận động, thuyết phục mà không chấp hành;
Quyết định cưỡng chế đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, Quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực thi hành;Người bị cưỡng chế đã nhận được Quyết định cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Ngoài ra, Chính Phủ còn quy định về việc Bồi thường về đất khi nhà nước giao đất không đúng thẩm quyền truốc ngày 1/7/2004 nhưng đã nộp tiền sử dụng đất mà chưa được cấp giấy chứng nhận; xử lý tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất./.