*Các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi:
Điều 12, Bộ luật Hình sự quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi trở lên. Do đó, người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không bị xem là tội phạm. Nhưng người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác – Đây là điểm mới của luật hình sự 2015.
Ví dụ: Điều 145 Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Chủ thể bắt buộc phải là người đủ 18 tuổi trở lên thực hiện mới cấu thành tội phạm.
Vậy, người thực hiện hành vi quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 mà chưa thành niên (dưới 18 tuổi) thì không cấu thành tội này.
Một quy định có lợi cho người chưa thành niên phạm tội là nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 91) – phải bảo đảm lợi ích tốt nhất và nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 29 luật này, nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII.
Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một số biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng các biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương XII nhưng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa…Các Điều 92, 93, 94, 95, 100, 102, 106 và Điều 107 là những quy định được sữa đổi mới có lợi cho người phạm tội là người chưa thành niên. Trong đó, Điều 106 và Điều 107 Bộ luật Hình sự quy định về điều kiện tha tù trước hạn và xóa án tích đối với người chưa thành niên như: dưới 16 tuổi; phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý; người bị áp dụng biện pháp tư pháp theo Mục 3, Chương XII; phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặt biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.
*Một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đối với người chưa thành niên phạm tội:
Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại phần thứ bảy, Chương XXVIII gồm 18 Điều từ Điều 413 đến Điều 430. Luật mới đã bổ sung “Nguyên tắc tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng, xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, lấy lời khai… quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi”. Trong đó, phải đảm bảo thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức, bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; quy định chặt chẽ việc xác định độ tuổi tại Điều 417 của Bộ luật này.
Việc xác định này không chỉ đối với người bị buộc tội mà còn đối với người bị hại là người dưới 18 tuổi. Riêng trường hợp lấy lời khai, hỏi cung thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
*Các quy định Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đối với người dưới 18 tuổi:
Một là, người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) được bố trí theo khu vực và phân loại riêng.
Hai là, quy định về chế độ ăn, ở thì người dưới 18 tuổi được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng của người thành niên (Điều 33); chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự quy định tại Điều 22 của Luật này với số lần thăm gặp tăng gấp đôi so với người đủ 18 tuổi trở lên và một số quy định khác trong Luật số 94/2015/QH13 của Quốc Hội.