- Về số lượng điều luật:
BLTTHS năm 2003 chỉ quy định hai điều về việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trong khi đó BLTTHS năm 2015 có tới 7 điều quy định về vấn đề này, bao gồm các điều 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150. Trong đó quy định cụ thể về các khái niệm, trách nhiệm, thủ tục, thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Việc quy định đầy đủ, chi tiết hơn các điều luật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, làm căn cứ để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự một cách chính xác và hiệu quả.
- BLTTHS năm 2015 đã đưa ra khái niệm cụ thể, rõ ràng hơn về tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
Các khái niệm này chưa được quy định tại BLTTHS năm 2003, chỉ đến khi Thông tư liên tịch số 06/2013 ra đời, các khái niệm này mới được đề cập đến. BLTTHS năm 2015 đã đưa ra những khái niệm về tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố cụ thể, rõ ràng tại Điều 144 BLTTHS 2015. Nhưng có sự khác nhau theo như Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT thì nếu chủ thể đưa thông tin có dấu hiệu tội phạm là cá nhân thì được gọi là tố giác, nếu chủ thể đưa thông tin có dấu hiệu tội phạm là cơ quan, tổ chức thì được gọi là tin báo. Tuy nhiên, Điều 144 BLTTHS năm 2015 đã đưa ra khái niệm hoàn toàn mới về tố giác, tin báo về tội phạm: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền; Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
- BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
Tại khoản 1 Điều 145 BLTTHS năm 2015 không chỉ quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận mà còn quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền không được từ chối tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Việc này góp phần đảm bảo tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, giải quyết đầy đủ, kịp thời. Khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 còn quy định về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (gọi chung là Công an cấp xã). Quy định này một mặt tăng thẩm quyền cho Công an cấp xã, phường, thị trấn trong công tác tiếp nhận và xác minh sơ bộ ban đầu đối với tin báo, tố giác tội phạm, đồng thời nhằm phân loại kịp thời, chính xác ngay từ đầu việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, hạn chế, khắc phục tình trạng tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết lượng tố giác, tin báo tội phạm cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, căn cứ vào các Điều 34, Điều 163 và Điều 164 BLTTHS năm 2015 thì Công an cấp xã không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, không phải là cơ quan điều tra và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Do vậy, các hoạt động của Công an cấp xã như lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai, thu giữ vật chứng…không phải là hoạt động điều tra, đây là các hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu. Vấn đề là, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm mà Công an cấp xã lại không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu không phải là hoạt động điều tra. Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc tiếp nhận của Cơ quan điều tra khi Công an cấp xã chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến. Như vậy, giai đoạn Công an cấp xã tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu đến trước khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không thực hiện được quyền kiểm sát tư pháp. Cũng tại Khoản 3, Điều 146 BLTTHS năm 2015 quy định, Công an cấp xã sau khi tiếp nhận, tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu phải chuyển ngay tố giác, tin báo đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, nhưng không quy định cụ thể là bao nhiêu ngày. Thực tế, có những vụ, việc sau hơn 10 ngày Công an cấp xã mới chuyển lên Cơ quan điều tra hoặc Công an cấp xã không chuyển tin dẫn đến gây khó khăn cho việc giải quyết án, hoặc bỏ lọt tội phạm.
- Về việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
BLTTHS năm 2003 không quy định cụ thể thế nào là kiểm tra, xác minh nhưng BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 147. Đây là một quy định hoàn toàn mới của BLTTHS năm 2015, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chỉ được thực hiện các hoạt động do luật quy định trong giai đoạn này, cụ thể là: thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
- Về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
BLTTHS năm 2015 bổ sung thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tại điểm c khoản 3 Điều 145 “Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục”. Đồng thời cũng quy định thời hạn cụ thể là trong 05 ngày làm việc kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
Để mở rộng thêm quyền năng của Viện kiểm sát trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tại Khoản 3, Điều 153 BLTTHS năm 2015 quy định bổ sung thêm hai trường hợp Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án, đó là khi: Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm và khi Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tin báo.
Trong khí đó tại Khoản 1, Điều 104 BLTTHS năm 2003 quy định quyền chủ động khởi tố vụ án hình sự thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố. Vậy, nếu trong quá trình điều tra, giải quyết tin báo có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án thì Viện kiểm sát không thể thực hiện quyền khởi tố của mình, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Điều đó cho thấy, quy định tại Khoản 3, Điều 153 BLTTHS năm 2015 có ý nghĩa thiết thực, nhằm đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều phải được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
- Về quyết định giải quyết và thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
Tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS năm 2003 quy định: Sau quá trình kiểm tra, xác minh thì Cơ quan điều tra chỉ có thể ra 2 loại quyết định là quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Vấn đề này đã gây khó khăn trong thực tiễn là hết thời hạn 20 ngày; đối những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều hành vi, cần trưng cầu giám định…mà hết thời hạn 2 tháng, cơ quan điều tra không đủ căn cứ để ra các quyết định nêu trên thì giải quyết tin như thế nào?
Để giải quyết vấn đề này BLTTHS năm 2015 có những sửa đổi bổ sung cụ thể tại Điều 147, quy định sau khi cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra xác minh, ngoài 2 quyết định nêu trên còn có thể ra “Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. Việc có thể tạm đình chỉ giải quyết, nâng thời hạn giải quyết tối đa lên 04 tháng thay vì thời hạn 02 tháng theo quy định của BLTTHS năm 2003 là yêu cầu đòi hỏi của thực tế trong quá trình xác minh những vụ việc phức tạp.
Tuy nhiên, để tránh việc cơ quan điều tra lợi dụng kéo dài thời gian giải quyết dẫn đến bỏ lọt tội phạm, Điều 147 BLTTHS năm 2015 đã quy định thủ tục rất chặt chẽ, thời hạn ban đầu là 20 ngày. Chỉ những vụ, việc thỏa mãn điều kiện: có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm mà không thể kết thúc trong thời hạn 2 tháng mới được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
- Quy định về việc tạm đình chỉ và phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
Điều 148 BLTTHS năm 2015 đã quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
– Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
– Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp; cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác,báo tin tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Cùng với việc bổ sung quy định tạm đình chỉ, BLTTHS 2015 còn bổ sung quy định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Khoản 1 điều 149 BLTTHS năm 2015 quy định: Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.
Quy định này nhằm xử lý các tin báo tồn đọng có điều kiện giải quyết, để từ đó góp phần xử lý triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Với những quy định mới trên, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết nguồn tin, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát tính có căn cứ và hợp pháp của các trường hợp tạm đình chỉ và phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến 02 quy định này, điển hình là đối với một số tố giác tin báo về tội phạm sau khi tiếp nhận Công an xã lấy lời khai ban đầu và chuyển Cơ quan điều tra Công an huyện, sau khi tiến hành xác minh tố giác tin báo về tội phạm (lấy lời khai bị hại, xác minh hiện trường...) nhưng Cơ quan điều tra có thẩm quyền không lấy được lời khai của đối tượng (do đối tượng bỏ trốn, chưa xác định được đối tượng...) do đó chưa làm sáng tỏ được có dấu hiệu tội phạm hay không (không thuộc quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015). Khi hết thời thời hạn giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra có thẩm quyền không có căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Vì vậy đối với những tố giác tin báo về tội phạm này Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải giải quyết như thế nào?
Ngoài ra, Hiện nay Cơ quan điều tra đang tạm dừng việc giải quyết một số tố giác tin báo về tội phạm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06, nhưng khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thì việc giải quyết những tố giác tin báo về tội phạm này như thế nào? Vì theo Điều 149 BLTTHS năm 2015 không có quy định về việc phục hồi các tố giác tin báo về tội phạm đang tạm dừng giải quyết mà chỉ được phục hồi những tố giác tin báo về tội phạm đang tạm đình chỉ.
- Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố
BLTTHS năm 2003 không quy định về vấn đề giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chỉ quy định: Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể tại Điều 150; theo đó thì Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thẩm quyền quy định cho Viện kiểm sát các cấp giải quyết là đảm bảo khách quan, minh bạch. Tuy nhiên, Điều 150 BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể thời hạn Viện kiểm sát phải giải quyết tranh chấp về thẩm quyền trong những trường hợp cụ thể.
Qua nghiên cứu những quy định mới về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 mặc dù có nhiều tiến bộ và giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế áp dụng những quy định trước đây, nhưng vẫn còn một số bất cập. Chính vì vậy để công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt hiệu quả cao, đồng thời tăng cường công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, thiết nghĩ liên ngành Trung ương cần ban hành Thông tư mới hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để phù hợp với các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.