Nghĩa vụ chứng minh (Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự) của đương sự có thể hiểu là đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, đưa ra căn cứ pháp lý để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, hoặc trình bày bằng lời nói, lập luận phù hợp với các chứng cứ khác để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã khắc phục nhiều hạn chế của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, nhưng trong thực tế áp dụng còn có một số hạn chế:
Thứ nhất, theo quy định pháp luật tố tụng, khi đương sự không thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu thì Tòa án phải thu thập chứng cứ theo Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, việc có hay không yêu cầu Tòa án hỗ trợ đối với hoạt động chứng minh của đương sự phụ thuộc vào trình độ am hiểu pháp luật của người tham gia tố tụng. Mục đích, sự hỗ trợ của Tòa án trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự nhằm bảo đảm tìm ra chân lý và có thể hạn chế những hậu quả bất lợi cho đương sự trong trường hợp họ không thể thực hiện nghĩa vụ chứng minh.
Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS quy định “Thời hạn giao nộp tài liệu chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”, quy định này dẫn đến hậu quả là đối với các trường hợp mặc dù các đương sự đã có chứng cứ nhưng họ cố tình không nộp và nếu Tòa án không yêu cầu họ nộp thì tại phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm đương sự vẫn có quyền cung cấp chứng cứ mới. Đây chính là mâu thuẫn giữa Điều 6 và khoản 4 Điều 96 BLTTDS.
Mặt khác, ở đoạn sau khoản 4 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự quy định, trong trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp vì lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.
Trên thực tế xét xử, việc đương sự xuất trình tài liệu, chứng cứ hoặc khai thêm những vấn đề khác có liên quan buộc Tòa án phải hoãn hoặc tạm ngừng phiên tòa. Cho nên, việc phân định đâu là nghĩa vụ chứng minh của đương sự, đâu là trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án khi có đương sự yêu cầu là cần thiết. Bởi vì, trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thuộc về đương sự, còn Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong một số trường hợp mà thôi.
Thứ hai, BLTTDS năm 2004 không quy định phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ vì thế đương sự có quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng nên chưa đảm bảo được quyền tiếp cận yêu cầu của đương sự phía đối lập, có quyền trình bày ý kiến về những vấn đề khác với yêu cầu của mình. BLTTDS năm 2015 đã bổ sung các Điều 208, 209, 210, 211 để khắc phục những hạn chế này là quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Theo đó, qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và trên cơ sở đó Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì giá trị pháp lý biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải chưa được quy định cụ thể. Việc chưa quy định dẫn đến khó xác định bị đơn (khoản 3 Điều 200 BLTTDS) có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (khoản 2 Điều 201 BLTTDS) có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hay không, bởi vì, trên thực tế Tòa án có thể tiến hành hòa giải nhiều lần trước khi đưa vụ án ra xét xử.
Theo quan điểm của người viết, những hạn chế nêu trên đã phần nào làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án cũng như việc hủy, sửa bản án sơ thẩm.