Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thành một chương riêng và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT - BCA - BQP - BTC – BNN và PTNT - VKSNDTC (Thông tư 01/2017) của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Qua công tác thực tế hơn một năm thực hiện những quy định mới về mặt công tác này đã mang lại được những kết quả nhất định; việc phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm được thực hiện triệt để hơn; việc để quá hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngày càng được hạn chế; góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu những quy định mới về tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được quy định trong BLTTHS năm 2015, Thông tư 01/2017 và thực tiễn; theo quan điểm của tác giả nhận thấy cần làm rõ thêm một số vấn đề lý luận đối với nguồn tin về tội phạm và những vấn đề khó khăn vướng mắc mắc trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm như sau:
Vấn đề thứ nhất, Về thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với nguồn tin tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, điện thoại, hoặc qua phương tiện thông tin khác:
Tại khoản 1 Điều 146 của BLTTHS năm 2015 quy định: khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền “phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận”. Việc có lập biên bản tiếp nhận là căn cứ để tính thời điểm bắt đầu giải quyết nguồn tin về tội phạm, hay nói cách khác thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là tính từ lúc lập biên bản tiếp nhận.
Tuy nhiên, cũng tại khoản 1 Điều 146 của BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận”. Đối với việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm theo quy định này thì chỉ ghi vào sổ tiếp nhận, không có quy định phải lập biên bản tiếp nhận. Thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với trường hợp này có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất, thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với trường hợp này phải được tính từ lúc “ghi vào sổ tiếp nhận”, cơ sở pháp lý cho việc này tại 1 Điều 147 của BLTTHS năm 2015 có quy định: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh”. Như vậy, thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm được tính kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, không phụ thuộc nguồn tin đó có được lập biên bản tiếp nhận hay không.
Quan điểm thứ hai, cho rằng thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm cần được phân thành 02 trường hợp là:
Nếu xác định được thông tin địa chỉ liên lạc của người cung cấp thì ngay sau khi “ghi vào sổ tiếp nhận” đối với nguồn tin về tội phạm, tiến hành mời làm việc và lập biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm. Và thời điểm bắt đầu là từ lúc lập biên bản tiếp nhận.
Nếu nguồn tin về tội phạm không xác định được thông tin địa chỉ của người cung cấp, thì sau khi xác minh sơ bộ ban đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm thì thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là từ lúc ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm đó.
Tác giả đồng thuận với quan điểm thứ hai vì phù hợp với thực tế công tác tiếp nhận và xử lý nguồn tin.
Vấn đề thứ hai, về quy định biện pháp thu thập chứng cứ trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm:
Theo khoản 3 Điều 147 của BLTTHS năm 2015 khi giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền được quyền tiến hành 04 hoạt động cụ thể là khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản và đồng thời còn thực hiện một số hoạt động có tính định hướng là thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin để kết quả cuối cùng của việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đó để quyết định khởi tố, không khởi tố hoặc tạm đình chỉ.
Tuy nhiên, tại Điều 7 BLTTHS năm 2015 quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. Như vậy, trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm thì những thông tin, tài liệu, đồ vật thu thập được ngoài 04 biện pháp đã được nêu trên thì những tài liệu, chứng cứ khác được thu thập có đảm bảo giá trị pháp lý hay không, do hiện nay vẫn chưa có quy định chi tiết hướng dẫn thi hành về việc cơ quan có thẩm quyền được tiến hành những hoạt động cụ thể nào để “thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin”.
Theo quan điểm của tác giả Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định theo hướng mở, cho phép cơ quan có thẩm quyền được “thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin” nên một số hoạt động cần thiết để thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật là có thể được tiến hành như: đối chất, thực nghiệm điều tra, nhận dạng,… để đảm bảo việc thu thập chứng cứ chứng minh.
Vấn đề thứ ba, về quy định tạm đình chỉ theo khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng hình sự:
“1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.”
Như vậy căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm chỉ quy định 02 trường hợp như trên. Tuy nhiên, trong trường hợp Cơ quan điều tra đã thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ nhưng vẫn chưa chứng minh được có hành vi phạm tội xảy ra hay không, cũng không đủ cơ sở cho việc không khởi tố vụ án hình sự, bởi vì, không làm việc được người bị tố giác mà thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã hết. Theo tác giả cần bổ sung nội dung này vào căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin./.