Theo quy định tại Điều 109 BLTTHS 2015 thì các trường hợp bắt đều được quy định cụ thể, gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
- Trước đây Điều 81 Bộ luật TTHS 2003 quy định là bắt người trong trường hợp khẩn cấp, thì hiện nay Bộ luật TTHS 2015 quy định là giữ người trong trường hợp khẩn cấp; Bởi vì trong quá trình áp dụng theo quy định của Điều 81 BLTTHS năm 2003 thì có thể “bắt trước, phê chuẩn sau”, tuy nhiên theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát”. Chính vì vậy Bộ luật TTHS năm 2015 đã có sự sửa đổi thành biện pháp “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” được quy định tại Điều 110 cho phù hợp. Theo đó, quy định cụ thể giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải đảm bảo đủ 3 căn cứ được quy định tại Khoản 1 Điều 110, về cơ bản những căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp không có sự thay đổi nhiều so với quy định trước đây, nhưng cụ thể và chi tiết hơn; Chỉ có sự khác biệt là trước đây tại điểm a - Khoản 1 - Điều 81 BLTTHS 2003 quy định “Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, căn cứ này chỉ mang tính chất định tính, cho nên tại điểm a - khoản 1 - Điều 110 BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải đảm bảo “Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;”. Như vậy, trong trường hợp này khi muốn giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập được đầy đủ các căn cứ để xác định người đó có các hành vi đang chuẩn bị thực hiện tội phạm và điều quan trọng là tội đó phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Điều 14 của BLHS năm 2015. Đối với căn cứ thứ 2 thì mở rộng và bổ sung thêm đối tượng chính mắt thấy người đã thực hiện tội phạm là “Người cùng thực hiện tội phạm...”, căn cứ thứ 3 ngoài những dấu vết của tội phạm phát hiện ở người hoặc chỗ ở thì bổ sung thêm những dấu vết của tội phạm tại “nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm” ngoài việc xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn, còn nhằm ngăn chặn việc “tiêu hủy chứng cứ” cũng được xem là căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
- Thẩm quyền ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp được bổ sung thêm: Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng.
- Thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp:
Giữ người trong trường hợp khẩn cấp cần có lệnh giữ người. Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ những nội dung quy định tại khoản 3 - Điều 110 BLTTHS 2015.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành 3 hoạt động:
+Lấy lời khai ngay người bị giữ.
+ Ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó.
+ Gửi ngay Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cho Viện kiểm sát kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Để bảo đảm việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp được thận trọng, chính xác, tránh việc lạm dụng quyền hạn bắt khẩn cấp, bảo đảm các quyền và lợi ích của người bị bắt điều luật cũng quy định Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp. Trong trường hợp cần thiết Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Điều đó cho thấy điểm mới trong điều luật có quy định đề cao trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc giám sát việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp và trách nhiệm trong việc ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt.