Nhìn chung, Luật đã một phần nào tháo gỡ những khó khăn, hạn chế của các văn bản cũ liên quan đến tạm giữ, tạm giam như là Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam, Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giữ, tạm giam, Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 25/01/2011 của Chính phủ,v.v... Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam.
Cụ thể, Luật quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Đề cao quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân đối với công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cũng như vai trò, thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam,... Từ đó, giúp cho công tác kiểm sát tại các cơ sở giam giữ đạt nhiều kết quả cao.
Tuy nhiên, qua thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, nhận thấy vẫn còn một số bất cập về những quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, đó là:
- Điều 16 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: “Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cơ sở giam giữ có trách nhiệm: “…Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe…”. Như vậy, ngay khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam, cơ sở giam giữ phải tổ chức khám sức khỏe cho họ để có cơ sở phân loại giam giữ. Nhưng hiện nay, đa số Nhà tạm giữ Công an cấp huyện chỉ có cán bộ y tế là y sĩ, trình độ chuyên môn còn hạn chế nên chỉ kiểm tra các dấu vết bên ngoài thân thể, ghi nhận lại việc tự khai tình hình sức khỏe của người bị tạm giữ, tạm giam chứ không thể xác định được họ có bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người đồng tính hay chuyển giới để phân loại giam, giữ riêng theo đúng quy định.
- Theo khoản 3 Điều 16 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam thì khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm “Chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam”, tuy nhiên Luật và Thông tư 33/2017/TT-BCA chưa quy định cụ thể về thời hạn lập danh bản, chỉ bản là bao lâu? Thường thì các cơ sở giam giữ hay “đổ lỗi” cho Phòng hồ sơ nghiệp vụ chậm trễ.
- Tại điểm đ khoản 1 Điều 17 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam có đề cập đến“Tài liệu khác có liên quan”. Tuy nhiên, không có văn bản hướng dẫn tài liệu khác là những tài liệu gì, từ đó dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở giam giữ.
- Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quy định việc sử dụng điện, nước. Theo đó, Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có quy định: “...định mức sử dụng điện là 45kW/h điện và 3m3 nước” trên một người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhưng thực tế hiện nay các buồng tạm giam không có công tơ điện riêng, không có đồng hồ đo nước riêng mà sử dụng điện, nước chung với đơn vị, do vậy thời gian qua khi kiểm sát vấn đề này gặp khó khăn.
- Tại cuối khoản 1 Điều 30 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có quy định về việc “...người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân và phải có đơn thuốc của thầy thuốc, chịu sự kiểm tra của cơ sở giam giữ”. Tuy nhiên, qua kiểm sát đã ghi nhận những trường hợp người bị tạm giam (tự khai nhận qua khám sức khỏe ban đầu) mắc một số bệnh mãn tính như: Viêm thận, bệnh về gan, bệnh về tim mạch, cao huyết áp, khớp,... Nếu cho phép người bị tạm giữ, tạm giam nhận thuốc thì ai sẽ theo dõi việc uống, điều trị bệnh? Vì trình độ chuyên môn của cán bộ y tế Nhà tạm giữ đôi khi chưa có khả năng nhận biết và theo dõi, điều trị các loại bệnh vừa nêu trên. Bên cạnh đó việc kiểm tra loại thuốc, nguồn gốc, thành phần thuốc là gì cũng gặp nhiều khó khăn, do không đủ trình độ và trang thiết bị.
Trên cơ sở những tồn tại, vướng mắc trên, đòi hỏi liên ngành tư pháp trung ương, nhất là Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những quy định trên. Mặt khác, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới nhằm xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật và các vụ việc phát sinh trong quá trình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; Thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm để thông qua đó chỉ ra giải pháp công tác tiên tiến, có hiệu quả và những việc còn tồn tại cho các địa phương rút kinh nghiệm, học tập; Chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Kiểm sát viên thực hiện khâu công tác tạm giữ, tạm giam nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng về các chế độ, chính sách đặc thù riêng đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.