Bộ luật Hình sự có nhiều tội được xây dựng bằng cấu thành vật chất. Theo đó, kết luận giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại không những là căn cứ quan trọng (thậm chí là duy nhất) để xác định tội phạm mà còn là căn cứ để xác định khung hình phạt cụ thể, nhưng người bị hại lại từ chối giám định nên không có căn cứ để khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) dẫn tới hiện tượng “bỏ lọt” tội phạm và người phạm tội trong thực tiễn; chẳng hạn như tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đặc biệt trong thực tế, nhiều trường hợp có hành vi cố ý gây thương tích mà nếu đối chiếu hậu quả với Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014 của Bộ Y tế thì phạm vào khoản 2, thậm chí là khoản 3 của Điều này, nhưng không có căn cứ để khởi tố vụ án và truy cứu TNHS người phạm tội. Để bít lỗ hổng pháp luật này, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã bổ sung quy định về biện pháp cưỡng chế mới trong tố tụng hình sự. Đó là biện pháp dẫn giải người bị hại đi giám định, được quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 127 như sau:
“2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
……
b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”;
Đây là sự bổ sung hết sức cần thiết nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, giúp cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện quy định này chưa đạt hiệu quả cao vì vướng phải một số khó khăn sau:
Thứ nhất, quy định của điều luật khá rõ ràng, nếu người bị hại từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì sẽ bị dẫn giải. Đồng thời, dẫn giải được hiểu “là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị hại từ chối giám định” buộc phải đi giám định. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều trường hợp người bị hại từ chối giám định, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định dẫn giải. Nhưng khi thực hiện quyết định dẫn giải, người bị hại cố tình lánh mặt hoặc có mặt nhưng họ vẫn kiên quyết từ chối không đi nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện biện pháp cưỡng chế này nên Cơ quan điều tra không dám áp dụng các biện pháp mạnh tay là “bắt buộc” họ phải đi giám định mà chỉ lập biên bản về việc họ không thực hiện quyết định dẫn giải. Vì vậy, không thể có kết luận giám định làm cơ sở xử lý dẫn đến việc giải quyết các vụ việc hoặc vụ án (khi đã khởi tố vụ án) lại rơi vào bế tắc như khi thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Thứ hai, theo điểm b, khoản 2 Điều 127 BLTTHS, về nguyên tắc, trong mọi trường hợp có thiệt hại sức khỏe, nếu người bị hại từ chối giám định thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải ra quyết định dẫn giải. Vì vậy, trong yêu cầu điều tra đối với các vụ có hành vi cố ý gây thương tích hoặc hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà có gây thiệt hại về sức khỏe, Viện kiểm sát thường yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể; đồng thời thòng thêm trường hợp nếu người bị hại từ chối giám định thì yêu cầu cơ quan điều tra dẫn giải. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra và là xung đột giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong thực hiện là: Cơ quan điều tra cho rằng, trường hợp này hoặc khác có thiệt hại về sức khỏe, nhưng thương tích của người bị hại như vậy là nhẹ không đến mức truy cứu TNHS nên không cần phải dẫn giải; còn viện kiểm sát thì kiên quyết cho rằng: Luật đã quy định thì phải thực hiện; hơn nữa, chưa giám định thì làm sao biết tỷ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu mà biết nhẹ hay nặng và đã đủ mức để xử lý hình sự chưa dẫn tới các tranh cãi rất gay gắt.
Theo quan điểm người viết, đối với các trường hợp này, kiểm sát viên và điều tra viên cần thu thập toàn diện chứng cứ về các tổn thương cơ thể của người bị hại, đối chiếu với Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể ban hành kèm TT số 20/2014/TT-BYT của Bộ y tế. Nếu qua đối chiếu, tỷ lệ % tổn thương cơ thể mà đủ hoặc gần đủ tỷ lệ % được quy định trong cấu thành tội phạm cụ thể (Ví dụ: các tội cố ý gây thương tích hoặc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ...) thì bắt buộc cơ quan điều tra phải ra quyết định dẫn giải; còn nếu qua đối chiếu mà tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp hơn hẳn mức tỷ lệ % trong cấu thành tội phạm cơ bản thì không nhất thiết phải ra quyết định dẫn giải. Bởi vì, suy cho cùng, Kết luận giám định của Cơ quan giám định cũng phải dựa trên cơ sở là Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể nêu trên. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, nếu có hành vi vi phạm mà đã gây thương tích và từ chối giám định thì trong mọi trường hợp đều phải ra quyết định dẫn giải. Bởi vì, họ cho rằng, điều tra viên, kiểm sát viên không phải là người có kiến thức chuyên môn về y học và giám định nên không thể đánh giá đúng mức độ thương tích nên khi đối chiếu sẽ không thể đánh giá chính xác được; mặt khác, nếu điều tra viên, kiểm sát viên không khách quan trong thực thi công vụ nên mặc dù thương tích nặng nhưng lại lách quy định dẫn giải thì hậu quả là sẽ bỏ lọt tội phạm…
Dẫn giải người bị hại đi giám định trong trường hợp họ từ chối mà không có lý do hợp pháp là biện pháp cưỡng chế mới trong BLTTHS năm 2015. Đây là quy định khoa học và cần thiết để đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực tiễn, cần phải có văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị:
Cần sớm có văn bản hướng dẫn về thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải người bị hại đi giám định; đồng thời phải có tiêu chí về tổn thương làm cơ sở để quyết định dẫn giải, tránh dẫn giải tràn lan, làm tốn thời gian, công sức, tiền bạc của những người tiến hành tố tụng, cơ quan giám định và của Nhà nước và rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc./.