Quyền khiếu nại của công dân trong tố tụng hình sự đã được quy định rõ trong Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc giải quyết khiếu nại thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ các quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng mà bị ảnh hưởng bởi quyết định, hành vi tố tụng vi phạm. Theo đó, khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thủ tục quy định của Chương XXXIII Bộ luật TTHS đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Việc quy định giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự đã góp phần đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự được đúng đắn và có căn cứ, bảo vệ các quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, qua thực tế quá trình áp dụng, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại các quy định về giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự còn có những vướng mắc như sau:
- Căn cứ theo Điều 475 Bộ luật TTHS năm 2015 khi xảy ra trường hợp người có đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự thì thời hạn để cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 7 ngày. Căn cứ Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT, ngày 05/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định kể từ ngày nhận được khiếu nại cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý và thực hiện các thủ tục: ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại trình bày và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản; kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu nại; tiến hành xác minh nội dung khiếu nại và cuối cùng là ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trong những trường hợp cần tiến hành xác minh nếu thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời hạn xác minh, thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại. Có thể thấy quy định thời hạn giải quyết như trên là rất ngắn so với yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại để làm cơ sở giải quyết. Do vậy, sẽ tạo áp lực về thời hạn cho cơ quan và người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, với yêu cầu phải tiến hành nhiều bước, trình tự thủ tục xác minh nhưng thời hạn giải quyết khiếu nại ngắn sẽ dẫn đến hai trường hợp là vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định hoặc việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại sơ sài, chưa xem xét đầy đủ được các nội dung, tình tiết có liên quan, không giải quyết triệt để vấn đề bị khiếu nại. Theo quan điểm của người viết cần có sự sửa đổi tăng thời hạn giải quyết đơn khiếu nại để tạo điều kiện cho cơ quan, người có thẩm quyền.
- Bên cạnh đó qua nghiên cứu quy định về thời hạn tại Điều 475 Bộ luật TTHS và Quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT có sự mâu thuẫn về thời hạn giải quyết khiếu nại. Theo theo quy định của tại Điều 475 Bộ luật TTHS thì thời hạn giải quyết khiếu nại chỉ là 07 ngày kể cả ngày nghỉ và không quy định việc gia hạn, tuy nhiên tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 02/2018 có quy định về việc người có thẩm quyền xem xét được gia hạn thời hạn xác minh. Có thể thấy nếu thực hiện theo Điều 7 Thông tư liên tịch sẽ không đúng theo quy định tại Điều 475 Bộ luật TTHS. Do vậy cần phải xem xét thống nhất thời hạn giải quyết khiếu nại trong Bộ luật TTHS cụ thể là bao nhiêu ngày và nếu đối với vụ việc phức tạp thì có được gia hạn thời hạn giải quyết hay không.
- Ngoài ra, qua thực tiễn nhận thấy việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự có liên quan hết sức chặt chẽ với quá trình giải quyết vụ án hình sự. Nếu quá trình giải quyết vụ án hình sự được đảm bảo chặt chẽ, về mặt trình tự, thủ tục, việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện đúng quy định thì sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, người tiến hành tố tụng có quyết quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại và cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong hoạt động tố tụng liên quan đến khiếu nại. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết khiếu nại, đảm bảo việc xử lý, giải quyết cho người khiếu nại đúng theo quy định pháp luật.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến khiếu nại trong tố tụng hình sự cho người tham gia tố tụng đôi khi thực hiện chưa tốt. Dễ nhận thấy nhất là cơ quan, người tiến hành tố tụng chưa hướng dẫn cho người tham gia tố tụng biết quyền được khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng mà mình cho rằng có vi phạm. Điều này dẫn đến việc người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại, khiếu nại tiếp theo trong thời hạn luật định hoặc khi khiếu nại thì thời hiệu khiếu nại đã hết. Do vậy, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về khiếu nại trong tố tụng hình sự nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.