Trong khi đó, khoản 1, 2 - Điều 40 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nơi cư trú của cá nhân, theo đó: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống, trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của một cá nhân thì nơi cư trú của một cá nhân đó là nơi cá nhân đó đang sinh sống”. Trong Điều 40 Bộ luật dân sự năm 2015 còn có quy định thêm khoản 3 là: “Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới”. Còn trong Điều 12 Luật cư trú 2006 quy định: “Nơi cư trú của công dân là nơi công dân thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú, tạm trú”.
Như vậy, Luật cư trú 2006 quy xác định nơi cư trú của một công dân dựa trên nơi ở mà công dân đó đã đăng ký với cơ quan quản lý có thẩm quyền, đó là nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú. Còn theo Bộ luật dân sự năm 2015 nếu không xác định được nơi cư trú của cá nhân thì nơi cư trú của cá nhân là “nơi cá nhân đó đang sinh sống” chứ không cần phải là nơi cá nhân đó đăng ký thường trú hay tạm trú quy định tại Luật cư trú 2006.
Với hai quy định mâu thuẫn với nhau, đã làm khó cho Cơ quan tiến hành tố tụng và cả nguyên đơn, người yêu cầu và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng không quy định như thế nào là “cư trú cuối cùng” vì vậy điều này gây khó khăn cho cả nguyên đơn và Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định nơi cư trú và nơi cư trú cuối cùng của bị đơn để giải quyết vụ việc.