Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước; hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Qua các thời kỳ, nước ta đã ban hành 05 bản Hiến pháp (năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992, năm 2013). Mỗi bản Hiến pháp đều gắn liền với một giai đoạn phát triển của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hiến pháp 1946 là Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà ... dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do ... phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền cá nhân của công dân”.
Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 09/11/1946 với 7 chương và 70 Điều. Trong đó, chương “Quyền và nghĩa vụ của công dân” được xếp thứ 2 gồm 18 Điều. Lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp đã ghi nhận quyền bình đẳng dân tộc trong đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất. Ngoài ra, Hiến pháp cũng quy định đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện, có quyền tự do ngôn luận, quyền tư hữu tài sản được bảo đảm,... Đặc biệt tại Điều 21 ghi nhận: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Hiến pháp năm 1946 đã tuyên bố với cả thế giới rằng nước Việt Nam là một nước độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do, phụ nữ đã được đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân, nêu tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các dân tộc.
Hiến pháp năm 1959 được thông qua ngày 31/12/1959, bao gồm 10 chương 112 Điều, trong đó Quyền và Nghĩa vụ của công dân được quy định tại chương III, bao gồm 21 Điều. So với Hiến pháp 1946 thì Hiến pháp 1959 đã bổ sung những quy định mới về quyền con người như: Quyền khiếu nại tố cáo với cơ quan Nhà nước (Điều 29), Quyền làm việc (Điều 30), Quyền nghỉ ngơi (Điều 31). Bên cạnh quy định quyền, Hiến pháp 1959 cũng quy định cụ thể những nghĩa vụ cơ bản của công dân. Một điều đáng lưu ý, Hiến pháp 1946 đề cao vai trò của nhân dân trong quá trình lập hiến, theo đó nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 sau này đều bãi bỏ quyền này. Đây là một quyền dân chủ trực tiếp rất quan trọng của công dân và nên được khôi phục lại.
Với sự thay đổi của nền kinh tế - xã hội, Hiến pháp 1959 ra đời phần nào đã khắc phục được những hạn chế, những điều khoản không còn phù hợp với tình hình của Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp 1959 có thể xem như là một bước tiến mới trong kỹ năng lập hiến Việt Nam.
So với Hiến pháp 1946 và 1959 thì quyền con người thể hiện trong Hiến pháp 1980 ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, các Điều luật ngày càng cụ thể hơn, đồng thời tiếp thu có chọn lọc và kế thừa các quy định từ các bản Hiến pháp trước đó. Nếu như Hiến pháp năm 1946 quy định quyền bình đẳng tại Điều 6 đến Điều 9 trong đó có các nội dung là: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá. Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình. Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung. Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” thì đến Hiến pháp năm 1980, đối với quyền bình đẳng nam, nữ (Điều 63), Hiến pháp bổ sung bốn điểm mới: Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ để phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội; Nhà nước cần hoạch định chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ; xã viên hợp tác xã cũng được hưởng phụ cấp sinh đẻ; Nhà nước và xã hội phải chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi khác. Không chỉ là nội dung ngày càng hoàn thiện mà số lượng các điều khoản ở Hiến pháp 1980 cũng nhiều hơn so với bản Hiến pháp trước. Nếu trước đây, ở Hiến pháp năm 1946 chỉ có 18 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân thì ở Hiến pháp năm 1959 là 21 Điều và Hiến pháp năm 1980 là 29 Điều.
Đất nước từng ngày thay đổi, có những quy định về vấn đề quyền con người trong Hiến pháp 1980 đã không còn phù hợp nữa mà buộc phải thay đổi bằng một bản Hiến pháp mới phù hợp hơn với tình hình đất nước lúc bấy giờ nên bản Hiến pháp 1992 đã ra đời, có những điểm mới phù hợp hơn các bản Hiến pháp trước đó. Lần đầu tiên, thuật ngữ “quyền con người” được thừa nhận trong Hiến pháp. Số lượng các quyền và nghĩa vụ ghi nhận trong chương về Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng có bước phát triển, không chỉ so với ba bản Hiến pháp trước mà còn so với Hiến pháp của các nước. Nếu Hiến pháp 1946 có 28 Điều về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp 1959 có 21 Điều, Hiến pháp 1980 có 28 Điều thì Hiến pháp 1992 có 34 Điều trong tổng số 147 điều của toàn bộ Hiến pháp. Cũng chính vì việc tăng các Điều luật hơn so với các bản Hiến pháp trước đó mà quyền công dân ở Hiến pháp 1992 được mở rộng hơn so với 3 bản Hiến pháp trước.
Những thay đổi đó thể hiện kỹ thuật lập hiến ngày một nâng cao. Cũng như các bản Hiến pháp năm 1946, 1959 hay 1980, các quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp 1992 đã được bổ sung và cụ thể hóa hơn để đi đến hoàn thiện. Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận quyền tư hữu như là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân. Việc xác định lại quyền tư hữu của công dân - một trong những quyền cơ bản nhất của con người, là một nội dung căn bản nhất của bản Hiến pháp năm 1992.
Việc thay đổi Hiến pháp là một điều cần thiết để phù hợp hơn với sự phát triển của đất nước, bản Hiến pháp năm 2013 ra đời có 11 chương, 120 Điều được thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực ngày 01/01/2014. Trong đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có số lượng Điều luật nhiều nhất, gồm 36 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Quyền con người được quy định trong chương II của Hiến pháp năm 2013, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại chương V của Hiến pháp năm 1992 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện như: đưa vị trí chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân" từ chương V trong Hiến pháp năm 1992 về chương II trong Hiến pháp 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận thuật ngữ “quyền con người” - thông qua quy định “quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân” tại Điều 50, Hiến pháp năm 1992 lại chưa phân biệt rạch ròi được quyền con người với các quyền cơ bản của công dân. Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Trong Hiến pháp sửa đổi, khi nói đến quyền con người thì dùng từ “mọi người”, khi nói đến công dân Việt Nam thì dùng từ “công dân”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Theo quy định tại Điều 14, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do Luật định. Như vậy, Hiến pháp sửa đổi quy định: việc hạn chế quyền con người, quyền công dân dứt khoát phải được quy định bằng Luật, không phải bằng văn bản dưới luật.
Hiến pháp mới bổ sung một số quyền mới, thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển quyền, phản ảnh kết quả của quá trình đổi mới ở nước ta. Đó là Quyền sống (Điều 19), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43). Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.
Ngoài ra, quyền con người không chỉ đề cập ở chương II mà ở nhiều chương khác như chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Như vậy, bộ máy nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này thể hiện sự kế thừa và tiếp thu quan điểm tiến bộ của các nước trên thế giới.
Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự kết tinh của tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới.