Từ lâu người dân Việt Nam đã có thói quen hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá không chỉ diễn ra đối với người lớn tuổi mà còn phổ biến đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Vì vậy, hút thuốc lá đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia đứng đầu thế giới về số người hút thuốc lá. Nhiều ghi nhận gần đây về số người hút thuốc lá ở nam giới cho thấy, trung bình cứ 2 người thì có một người hút thuốc lá.
Những người hút thuốc lá biết rõ tác hại của thuốc lá mang lại đối với bản thân hơn ai hết. Nhiều người đã cai nghiện thuốc lá nhưng rất ít người thành công. Những người đã từng cai nghiện thuốc lá mới thấy được những vất vả, khó khăn khi từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Theo thống kê trong một điếu thuốc lá, có hơn 4000 chất độc, với hơn 40 chất được xếp vào loại gây ung thư như nicotine, carbon oxit, benzen, fomandehít, amoniac, axeton, asen, xyanua hydro...cho đến nay giới chuyên môn đã xác định có đến 25 bệnh lý liên quan đến việc hút thuốc lá trong đó phải kể đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, tắc động mạch chi dưới, bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và nhiều bệnh nguy hiểm khác…
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chính chất nicotine khiến người hút bị nghiện, rồi dần dần bị lệ thuộc vào thuốc lá. Vậy nicotine là gì?
Nicotine là chất kích thích có tính gây nghiện cao. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, Nicotine còn dễ gây nghiện hơn cocain và heroin. Cũng giống các loại chất kích thích khác, khi nicotine được đưa vào cơ thể khiến người sử dụng có cảm giác thoải mái, tỉnh táo, nhịp tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng. Đa số những người bị nghiện nicotine là do hút thuốc lá. Khi lượng nicotine được nạp một cách thường xuyên vào cơ thể, với liều lượng cao hơn mức cho phép sẽ khiến người sử dụng phải lệ thuộc vào nó. Dấu hiệu nghiện nicotine ở người hút thuốc là rõ nhất, họ luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng, thậm chí là đau đầu, mệt mỏi, gắt gỏng khi không được đáp ứng chúng hàng ngày. Chỉ 07 giây sau khi hút thuốc lá, nicotine đã có tác dụng hưng phấn lên vỏ não, sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Khi trạng thái hưng phấn qua đi, có nghĩa lượng nicotine dần bị thiếu hụt, lúc này, não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc lá, buộc người nghiện hút điếu tiếp theo để cung cấp nicotine trở lại.
Nếu không có nicotine, hoạt động của não bộ sẽ bị cản trở rất nhiều, người hút thuốc lá buộc phải hút nữa, hút mãi để cung cấp cho cơ thể chất nicotine cần thiết đó. Như vậy, nghiện thuốc lá đã thành một bệnh mà không phải là thói quen. Do thói quen thì dùng ý chí có thể bỏ được, nhưng đối với nghiện thuốc lá lại cần đến sự hỗ trợ của thuốc mới thành công.
Chính vì tác dụng kích thích nhanh mạnh, gây hưng phấn tức thời mà nicotine sẽ khiến người hút nghiện thuốc lá từ trung bình đến nặng và một khi nghiện thì rất khó bỏ. Giới chuyên môn cũng cho biết, nghiện thuốc lá bao gồm nghiện thực thể và nghiện hành vi. Nghiện thực thể là nghiện chất nicotin trong thuốc lá, còn nghiện hành vi là nghiện động tác cầm điếu thuốc lá mà nhiều người hay gọi là thói quen.
Hầu hết những người nghiện thuốc quay trở lại hút thuốc sau khi bỏ được một thời gian. Chỉ nhìn thấy người khác hút thuốc có thể khiến những người đang kiêng thuốc từ bỏ nỗ lực cai thuốc của bản thân.
Thực tế cho thấy có rất nhiều cách để cai thuốc lá. Tuy nhiên, để đạt kết quả như mong đợi luôn là nhờ vào ý thức của mỗi người. Hãy luôn tự nhắc nhở mình và những người thân về những hiểm họa có thể gây ra từ việc hút thuốc lá. Đây là thói quen tưởng chừng rất nhỏ nhưng hậu quả nó để lại lại vô cùng lớn. Ngay hôm nay, hãy tìm cách cai thuốc lá, hỗ trợ những người xung quanh bạn từ bỏ chất nicotine để có một cuộc sống lành mạnh hơn, an toàn hơn.
Vì vậy, những ai đã nghiện thuốc lá thì cũng nên tìm cho mình một cách cai nghiện phù hợp để đạt được hiệu quả như mong muốn. Còn những ai đang có ý định hút thuốc lá cần tìm hiểu kỹ hơn về các tác hại của thuốc lá và những khó khăn vất vả khi muốn cai nghiện thuốc lá để từ đó có thể bỏ ý định hút thuốc lá, tránh những tác hại không lường đối với sức khỏe của chính mình và đối với những người xung quanh.